Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tổ về sửa đổi một số dự án luật

Thứ 4, 30.10.2024 | 15:08:33
441 lượt xem

Chiều 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh họp phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk. Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên họp.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành thảo luận tại tổ 13Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành thảo luận tại tổ 13

Thảo luận tại Tổ 13, các đại biểu cơ bản nhất trí chủ trương sửa đổi đối với các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 8. Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có 2 đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại thảo luận tổĐại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại thảo luận tổ

Cụ thể, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 10 Điều 8 về việc bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung Khoản 10a vào sau Khoản 10 Điều 8 về quy định các nhiệm vụ chi được sử dụng nguồn chi đầu tư, chi thường xuyên;…

Đại biểu Triệu Quang Huy cũng cho rằng, việc tạo chủ động cho Chính phủ trong điều hành ngân sách là cần thiết. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan : Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành… Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra cần xem xét nghiên cứu, có quy định phù hợp, một mặt vẫn bảo đảm tính chủ động, kịp thời cho Chính phủ trong phân bổ ngân sách, song mặt khác vẫn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổĐại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, dự thảo luật đã bám sát 5 nhóm vấn đề lớn gồm: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch nguồn vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung, rà soát đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế; nghiên cứu thêm cơ chế kiểm soát, xử lý để bảo đảm việc tổ chức triển khai thực hiện và quản lý hoạt động đầu tư công đối với các dự án đạt hiệu quả; quy định rõ trong luật là bước phê duyệt chủ trương đầu tư cần phù hợp với các quy hoạch nào liên quan trực tiếp hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể để làm cơ sở thẩm định, thẩm tra, quản lý, tránh để xảy ra thiếu sót dẫn đến sai phạm (nếu có);…

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, quy định của Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực. Do đó, nếu quy định phân cấp thẩm quyền cho UBND cùng cấp như tại dự thảo luật thì cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh việc lạm quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Đối với sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, cần thiết quy định rõ người nộp thuế, cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là chủ tịch hội đồng quản trị, chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty... phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đồng thời bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Về sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu đề nghị nghiên cứu cơ chế phù hợp trong quy định về dự trù thuốc dự trữ quốc gia; việc dự trù thuốc quốc gia nếu không được sử dụng thì không bị coi là lãng phí do tính chất đặc thù của mặt hàng này.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-to-ve-sua-doi-mot-so-du-an-luat-5026722.html

  • Từ khóa