Tổng thống Brazil muốn thông qua Việt Nam đưa thịt bò vào thị trường ASEAN

Thứ 7, 29.03.2025 | 16:34:57
287 lượt xem

Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Brazil đạt gần 8 tỷ USD năm 2024, Tổng thống Brazil cho rằng con số này vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ, mong muốn của hai bên.

Ngày 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cùng dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Brazil.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Brazil tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ đạt gần 8 tỷ USD năm 2024.

Brazil luôn giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil trong ASEAN. Hai bên đang hướng đến đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 15 tỷ USD vào năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva (Ảnh: TTXVN).

Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại, đầu tư song phương, đồng thời trao đổi về khả năng khởi động đàm phán một hiệp định thương mại ưu đãi giữa Việt Nam và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Tại diễn đàn, Tổng thống Brazil cho rằng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ, mong muốn của hai nước. Do đó, hai bên cần nỗ lực, khai thác tối đa các hiệp định thương mại giữa hai nước và các khuôn khổ khác mà hai nước tham gia để thúc đẩy thương mại, sớm đạt mục tiêu 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cho phép nhập khẩu thịt bò của Brazil, Tổng thống Lula da Silva cho biết sẽ đầu tư các nhà máy chế biến thịt bò để thông qua Việt Nam, thâm nhập vào thị trường ASEAN.

Chiều ngược lại, Brazil sẵn sàng làm cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam đi vào khối Mercosur, theo Tổng thống Lula da Silva.

Tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thời gian tới, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, các doanh nghiệp kết nối nhiều hơn nữa, phát huy tình cảm và các cơ chế hợp tác giữa hai nước.

Theo Thủ tướng, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối, điểm tựa quan trọng để Brazil vào thị trường ASEAN với dân số hơn 600 triệu dân, khu vực kinh tế năng động nhất thế giới và là tâm điểm tăng trưởng. Việt Nam cũng cảm ơn Brazil sẵn sàng làm cầu nối cho Việt Nam vào khu vực Mercosur và Mỹ Latinh.

Về đầu tư, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; khoáng sản; nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao…

Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Brazil tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Brazil sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh, bền vững như và các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TPHCM, Đà Nẵng.

Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Brazil ủng hộ, thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối Mercosur.

Đồng thời, tạo khung khổ pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh, thương mại song phương thông qua ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng như hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định về lao động, giáo dục đào tạo, miễn thị thực..., theo Thủ tướng.

Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, hỗ trợ lẫn nhau với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện".

Cùng với đó, Thủ tướng kêu gọi các bên coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ và quyết đoán kịp thời, mang lại lợi ích, của cải vật chất cho nhân dân hai nước, tô thắm thêm tình cảm, quan hệ giữa hai nước và góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-thong-brazil-muon-thong-qua-viet-nam-dua-thit-bo-vao-thi-truong-asean-20250329155057213.htm

  • Từ khóa