Nhiều tờ báo mạng, tổ chức kinh tế và đài truyền hình quốc tế đánh giá cao mô hình của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19.
Trước những kết quả ấn tượng của Việt Nam trong chiến đấu với dịch Covid-19, nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài (bao gồm cả phương Tây và phương Đông) đã phản ánh thực tế đó, đồng thời đi sâu phân tích để rút ra bài học kinh nghiệm từ Việt Nam.
Người dân Việt Nam tích cực đeo khẩu trang phòng chống Covid-19. Ảnh: Khâm/Reuters. |
Thời báo Tài chính Financial Times và trang mạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Weforum) đã sớm có bài viết vào tháng 3/2020 nhận định về nguyên nhân của Việt Nam thành công trong cuộc chiến này.
Các bài viết này đều nhấn mạnh rằng Việt Nam có số ca mắc Covid-19 là thấp và chưa ghi nhận ca tử vong nào do bệnh này.
Cả Financial Times và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đều cho rằng Việt Nam đã chủ động phát hiện từ sớm nguy cơ từ đại dịch Covid-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) và huy động có hiệu quả nguồn lực vốn không dư dả của Việt Nam để đối đầu với dịch bệnh này. (Weforum có nêu tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân của Việt Nam thấp hơn tỷ lệ tương ứng của Trung Quốc, Mỹ, Italy, và Tây Ban Nha).
Finacial Times trích dẫn lời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” ngay từ cuối tháng 1/2020, và cho rằng từ đó Việt Nam đã trở thành một hình mẫu quyết tâm khống chế dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực có hạn.
Financial Times nhìn nhận Việt Nam không có nhiều điều kiện xét nghiệm hàng loạt trên quy mô lớn như một số nước giàu có hơn nên đã tập trung vào cách ly các trường hợp nhiễm bệnh và theo dõi sát các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân (gồm F1 và F2).
Financial Times và Weforum cho rằng Việt Nam đã phản ứng rất nhanh trước dịch bệnh Covid-19, như ngay từ tháng 2/2020 đã ngừng các chuyến bay tới và về từ Trung Quốc, cho đóng cửa trường học ngay sau Tết Nguyên Đán.
Financial Times và Weforum cũng nhận định Việt Nam có năng lực huy động lực lượng rất tốt và nhanh để đối phó với khủng hoảng. Theo họ, quân đội, công an, và lực lượng sinh viên y khoa Việt Nam được huy động kịp thời và hợp lý trong trận chiến này. Người dân không thuộc các lực lượng đó cũng tích cực tham gia vào hoạt động chung để chống dịch.
Các nhận định này cũng được đài truyền hình Đức DW (Làn sóng Đức) chia sẻ. Đài này còn phân tích thêm về thế mạnh của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.
DW cho rằng Việt Nam đã tiến hành khoanh vùng cách ly cương quyết và theo dõi các tiếp túc gần với virus và bệnh nhân sớm hơn cả Trung Quốc, đất nước sau đó đã phải dùng tới phương cách phong tỏa hoàn toàn một số thành phố. DW còn nói rằng mức độ theo dõi tiếp xúc gần của Việt Nam là lên tới F3 (với bệnh nhân là F0).
Bên cạnh đó, DW ghi nhận vai trò của quân đội và hệ thống chính trị Việt Nam trong đấu tranh chống Covid-19.
DW cũng nhận thấy tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc là một động lực quan trọng giúp người dân Việt Nam tích cực ủng hộ và phối hợp với chính phủ vì sự nghiệp chung.
Trong khi đó, trang EFE đã dẫn lời trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Park Kidong nêu lý do thành công của Việt Nam là “đầu tư trong thời bình”, “kích hoạt sớm hệ thống phản ứng”, và sử dụng “cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ”.
Có lẽ vì vậy mà không phải ngẫu nhiên số liệu khảo sát do trang nghiên cứu DaliaResearch công bố mới đây cho thấy có tới 62% người dân Việt Nam được hỏi tỏ ý hài lòng với cách phản ứng của chính phủ Việt Nam trước dịch bệnh này - mức cao nhất trong 45 nước được khảo sát.
Ở khu vực Trung Đông, các trang điện tử Al-Arabiya của UAE và Hespress của Marốc đã đánh giá cao chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chống dịch Covid-19. Al-Arabiya ghi nhận các biện pháp của chính phủ Việt nam được người dân hoan nghênh và hợp tác, còn Hespress cho rằng Việt Nam đã chủ động và minh bạch hóa thông tin liên quan đến dịch bệnh, thông báo hàng ngày cho công chúng về tình hình dịch và biện pháp đối phó.
Mới đây nhất, vào ngày 5/4/2020, phát ngôn chính phủ Indonesia cho rằng Indonesia cần học hỏi Việt Nam trong việc phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19. Indonesia là quốc gia mà tại đó dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với nhiều ca tử vong.
Cũng trong ngày 5/4, nhiều báo của Indonesia đã đăng tin về hiệu quả chống dịch Covid-19 ở Việt Nam và đưa ra phân tích về phương pháp chống dịch của Việt Nam, từ đó gợi ý Indonesia có thể học tập.
Nhận định chung của các tờ báo Indonesia là Việt Nam đã làm tốt công tác phòng chống Covid-19 dù giáp với điểm nóng Covid-19 là Trung Quốc. Theo họ, Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn cả những nước có cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Họ cũng nêu bật vai trò của hệ thống chính trị Việt Nam và tầm nhìn của lãnh đạo Việt Nam trong việc xử lý khủng hoảng y tế toàn cầu này. Có tờ báo còn tin tưởng cho rằng Việt Nam có thể "đánh đuổi" xong virus corona chủng mới (gây bệnh Covid-19) vào cuối tháng 4 này./.
Trung Hiếu/VOV.VN