Việt Nam xác định chống Covid-19 là “vấn đề không của riêng ai”

Thứ 6, 17.04.2020 | 14:49:12
485 lượt xem

Nhìn nhận đấu tranh chống Covid-19 là vận mệnh chung của các nước, Việt Nam đã góp phần đoàn kết các dân tộc trên thế giới trong trận chiến chung này.

Giai đoạn tháng 12/2019 và tháng 1/2020, dịch Covid-19 (do virus SARS-CoV-2 gây ra) khởi phát ở thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Lúc đó người ta chỉ gọi nó là bệnh viêm phổi lạ và chưa ý thức hết sự nguy hiểm tàn khốc của dịch bệnh có sức lây lan cực mạnh này. Khi ấy Trung Quốc cũng liên tục cho rằng chưa có chuyện virus này lây từ người sang người. Tết Nguyên Đán vừa qua, các quan chức Vũ Hán vẫn tổ chức đón Tết với sự tụ tập của rất nhiều người ở trung tâm thành phố. Ngay trước Tết, rất nhiều công dân đã rời Vũ Hán tỏa đi nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc để đoàn viên với gia đình.

viet nam xac dinh chong covid-19 la
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đeo khẩu trang tại một hội nghị trực tuyến của ASEAN về đại dịch Covid-19, vào ngày 14/4/2020. Ảnh: AFP.

Sau đó Trung Quốc còn kêu gọi thế giới không đóng cửa biên giới với công dân nước họ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – cơ quan y tế uy tín hàng đầu thế giới, vào ngày 14/1/2020 vẫn tuyên bố tương tự Trung Quốc là chưa có dấu hiệu lây bệnh này từ người sang người. Một thời gian ngắn sau đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom thăm Trung Quốc và ca ngợi giới chức nước này là “minh bạch” trong vấn đề chống dịch Covid-19, dù trên thực tế Trung Quốc vào giai đoạn đầu có nhiều lúng túng và kém hiệu quả trong chống dịch bệnh này.

Không những thế, Tổng giám đốc WHO lúc đầu còn chê trách Tổng thống Mỹ Trump đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người từ Trung Quốc sang. Ông Tedros cũng kêu gọi các nước khác không làm theo quyết định hạn chế đi lại đó của Mỹ.

Trong chuỗi sự kiện đó, WHO đã chậm ban bố tình trạng khẩn cấp y tế (mãi đến ngày 30/1/2020 họ mới làm điều này). Và phải đến tận ngày 11/3/2020, WHO mới tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Lúc này Covid-19 đã như một “con quái thú” bất kham, lây nhiễm cho hàng trăm ngàn người và làm tử vong hàng ngàn người.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin cho rằng Covid-19 không phải là vấn đề đối với Mỹ vì Mỹ có đội ngũ bác sĩ giỏi hàng đầu thế giới và Covid-19 cũng chỉ như một dạng cúm mùa mà thôi. Ông Trump còn lạc quan cho rằng Covid-19 sẽ biến mất vào tháng 4 này.

Ở Đông Á, Nhật Bản tỏ dấu hiệu chần chừ trước dịch Covid-19, họ vẫn mở cửa trường học. Bên Đức, người ta lúc đầu cũng có phần nghiêng về giao quyền tự chủ cho các bang  và chủ trương chỉ làm chậm đà lây nhiễm của bệnh thay vì sốt sắng giãn cách xã hội và thực hiện xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng như hiện nay.

Đó là nhận định và phản ứng của các nước lớn có trình độ y tế rất cao.

Rất may Việt Nam chúng ta tuy tham khảo cách phản ứng của họ nhưng vẫn tỉnh táo và sáng tạo theo cách của riêng mình, nhờ đó chúng ta cho tới nay đã tránh được những điều cay đắng do Covid-19 gây ra ở nhiều nước như Italy (châu Âu), Mỹ (châu Mỹ), và Indonesia (ngay trong khu vực Đông Nam Á).

Với cách nhìn tổng thể, chúng ta đã không ngồi yên “chờ giặc Covid-19 tới” mà chủ động đánh “địch” từ xa, theo cách của Việt Nam, dựa trên sở trường của Việt Nam. Phương châm tác chiến của chúng ta là “khóa chặt bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ bên trong, phát hiện nhanh, cách ly sớm, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, huy động cả hệ thống chính trị, huy động mọi tầng lớp nhân dân, với mỗi người dân là một chiến sĩ”, trong trận chiến chung quy mô lớn này.

Việc Việt Nam sớm dừng nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc đã chứng tỏ là biện pháp hiệu quả trong giai đoạn 1 của chiến dịch chống Covid-19.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang đúc rút cả kinh nghiệm của quốc tế. Việt Nam tích cực hợp tác với bên ngoài, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin trong chống dịch Covid-19, trên tinh thần minh bạch hóa tối đa.

Không những thế, Việt Nam còn chủ động giúp lại các nước khác, quyên góp đồ y tế tặng Trung Quốc (nơi Covid-19 khởi phát), 5 nước châu Âu (nơi Covid-19 đang hoành hành ngoài sức tưởng tượng), Nga, và các nước láng giềng như Lào, Campuchia, cũng như trao quà hỗ trợ Myanmar phòng chống dịch. Việt Nam còn tích cực hỗ trợ Mỹ trong việc sản xuất đồ bảo hộ y tế phòng dịch Covid-19.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn là làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, việc cách ly là biện pháp tạm thời và cần thiết để dập dịch nhanh nhất, bền vững nhất, từ đó tạo nền tảng để khôi  phục lại đà tăng trưởng kinh tế, tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước.

Ngay từ rất sớm, Việt Nam ý thức rõ rằng Covid-19 là đại dịch toàn cầu, là “vấn đề không của riêng ai”. Không nước nào có thể quay lưng với vấn đề toàn cầu cấp bách này. Nếu chống dịch trong nước hiệu quả nhưng xung quanh, quốc gia nào cũng bị dịch bệnh nặng nề thì kiểu gì bên trong cũng bị ảnh hưởng theo cách này hay cách khác. Do đó Việt Nam xác định đấu tranh chống lại Covid-19 là vận mệnh chung của tất cả các nước, và Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực góp phần đoàn kết các dân tộc trên thế giới trong trận chiến chung này.

Chính nhờ cách tiếp cận đó và những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam trên thực địa trong cuộc chiến chống Covid-19, uy tín của đất nước ta trong thời gian qua đã không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Việt Nam được đánh giá tốt không chỉ bởi các cơ quan y tế chuyên môn như WHO (thuộc Liên Hợp Quốc) hay Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ mà còn bởi chính phủ các nước và giới truyền thông thế giới./.


Trung Hiếu/VOV.VN

https://vov.vn/vov-binh-luan/viet-nam-xac-dinh-chong-covid19-la-van-de-khong-cua-rieng-ai-1038144.vov

  • Từ khóa