Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa

Thứ 7, 28.12.2024 | 15:23:24
131 lượt xem

Chiều 27/12, tại thành phố Lạng Sơn, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024 và bàn giải pháp quản lý trong thời gian tới.

Dự hội nghị có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); đại diện một số cục liên quan của Bộ Công Thương; đại diện một số đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn; đại diện hơn 50 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. 

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập sâu trên thế giới với các cam kết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA)... Đây được xem là một trong các yếu tố giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua tăng ở mức trung bình 22% - 23% mỗi năm, từ 114,5 tỷ USD năm 2012 lên 354,7 tỷ USD năm 2023 và 11 tháng năm 2024 đạt 369,9 tỷ USD.

Các đại biểu dự hội nghị 

Trong các FTA mà Việt Nam tham gia, xuất xứ hàng hóa luôn là một nội dung quan trọng mà các nước thành viên cần đàm phán thống nhất nhằm đảm bảo tận dụng ưu đãi thuế quan của FTA. Mức thuế quan nhập khẩu ưu đãi trong khuôn khổ các FTA có thể chênh lệch từ 10% đến 40% so với thuế tối huệ quốc (MFN) giữa các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nêu rõ: Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản thế mạnh của Việt Nam.

Từ năm 2004, tỉnh Lạng Sơn được Bộ Công Thương quan tâm, thành lập Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Lạng Sơn, qua 20 năm thực hiện nhiệm vụ, cùng với 22 tổ chức được ủy quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi của cả nước, với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công Thương và của tỉnh, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Lạng Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường triển khai các giải pháp để tạo điều kiện tối đa trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt trong các thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu nông sản tại các cửa khẩu tăng đột biến, qua đó giúp hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam qua các cửa khẩu của tỉnh thông suốt. Những điều này đã góp phần vào kết quả chung trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh trong năm 2024. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt 66,4 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2023.

Trong chương trình hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa; đánh giá tình hình xuất nhập khẩu và thực hiện cấp C/O tại tỉnh Lạng Sơn thời gian qua; đánh giá cam kết về xuất xứ hàng hoá trong các FTA đã ký kết, cơ chế chính sách liên quan đến hệ thống cấp C/O, công tác thực thi cấp C/O tại các tổ chức cấp và thực thi thủ tục hải quan về C/O; đề xuất chính sách quản lý công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa trong năm 2025;…

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phát biểu tại hội nghị

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công Thương, phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh: Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc thù, không chỉ gắn với việc hưởng thuế ưu đãi từ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà các nước dành cho Việt Nam mà còn cả chiều ngược lại Việt Nam dành ưu đãi cho các nước.

Bộ Công Thương với vai trò được Chính phủ giao là tổ chức việc thực hiện cấp C/O, do vậy, thông qua hội nghị này, bộ tiếp tục có cái nhìn toàn diện về công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa trong thời gian qua, từ đó sẽ đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới.

Theo đó, sau hội nghị này, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo môi trường cơ chế chính sách minh bạch để doanh nghiệp tận dụng các cam kết thuế quan ưu đãi; cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch lại hệ thống tổ chức cấp C/O theo hướng hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh áp dụng hình thức chứng nhận xuất xứ điện tử ở cấp độ phù hợp với từng đối tác; tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu;…

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị Tổng cục Hải quan, cơ quan quản lý tại tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu mặt hàng nông sản tiếp tục phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu trong công tác quản lý, thực hiện cấp C/O trong năm 2025 và những năm tiếp theo.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/tiep-tuc-tang-cuong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-xuat-xu-hang-hoa-5033318.html

  • Từ khóa