Dịch vụ công trực tuyến “thử lửa” qua đại dịch Covid-19

Chủ nhật, 19.04.2020 | 15:41:48
741 lượt xem

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều hệ lụy, việc vận hành cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. 

Việc đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 mà còn mang lại nhiều lợi ích như minh bạch, công khai trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm tải lượng giấy phải sử dụng làm hồ sơ, tiết kiệm chi phí lưu trữ.

dich vu cong truc tuyen
Giao diện Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ LĐ-TBXH.

Ông Lê Văn Thinh - Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TPHCM cho biết, cán bộ tại quận Bình Tân đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. 

Hiện tại, quận đã triển khai 61 dịch vụ trực tuyến công cấp độ 3 và 13 dịch vụ trực tuyến công cấp độ 4. Không chỉ người dân mà các chuyên gia và cán bộ TPHCM cũng đánh giá cao hiệu quả phòng chống dịch và sử dụng hình thức làm việc trực tuyến. 

Thực hiện Chỉ thị số 16 ngày 31/3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin để phát huy tối đa lợi thế từ các hệ thống Thông tin Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan địa phương triển khai thời gian qua.

Đề nghị của Văn phòng Chính phủ nhằm mục đích hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và đáp ứng nhu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Sau gần 4 tháng đi vào hoạt động, đến nay đã có 226 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên cổng với hơn 100.000 tài khoản đăng ký; 4,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và 27,5 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 

Sau 1 năm hoạt động trên trục liên thông văn bản quốc gia đã có hơn 1,6 triệu văn bản điện tử được gửi nhận giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương giúp thay đổi phương thức làm việc, giảm thiểu văn bản giấy, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. 

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các bộ, ngành địa phương bố trí nhân lực hợp lý tại bộ phận một cửa các cấp và các điều kiện cần thiết cho việc phòng chống lây nhiễm để phục vụ hiệu quả, thuận lợi với các trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp. 

Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành địa phương thực hiện triệt để việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức họp và làm việc trực tuyến, các bộ, ngành phối hợp với Văn phòng Chính phủ mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ tới điểm cầu của các bộ, các ngành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành gây nhiều hệ lụy, việc vận hành cổng dịch vụ công quốc gia một lần nữa cho thấy tính ưu việt của giao dịch trực tuyến. 

“Cổng dịch vụ công mang lại lợi ích rất lớn, giúp chúng ta tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp về thời gian, tiền bạc”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Để tránh tập trung đông người, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và các tổ chức doanh nghiệp đến tổ chức công việc, hệ thống Tòa án Nhân dân trên cả nước đã tạm dừng nhận đơn thư tố tụng, khởi kiện, xét xử, tiếp công dân tại trụ sở. Bưu điện Việt Nam sẽ đảm nhiệm việc chuyển phát các giấy tờ này về đúng tòa án các cấp mà người dân yêu cầu. 

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và chuyển phát kết quả đến tận tay người dân yêu cầu qua bưu điện. Dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được triển khai tại các địa phương như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chính là giải pháp góp phần giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong bối cảnh phòng chống đại dịch Covid-19 như hiện nay, trọng tâm của công tác cải cách thủ tục hành chính là tăng cường hình thức giao dịch trực tuyến, giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước và chính những người thực hiện với nhau. Đồng thời cắt giảm tối đa những thủ tục thực sự không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ, thực hiện kết nối tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hồ sơ, giấy tờ, trình tự thủ tục không cần thiết cũng như tiếp tục thực hiện chuyển mạnh sang hậu kiểm. 

Đặc biệt là những thủ tục liên quan tới kinh tế, đầu tư, thương mại cần được tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dồn sức sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển hướng sản xuất kinh doanh kịp thời.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định, đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Theo các chuyên gia, không chỉ được thực hiện mạnh mẽ trong mùa dịch mà cần tiếp tục khuyến khích tăng cường các cuộc họp trực tuyến ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc ngay cả sau khi dịch bệnh lắng xuống./.


PV/VOV.VN

https://vov.vn/chinh-tri/dich-vu-cong-truc-tuyen-thu-lua-qua-dai-dich-covid19-1038001.vov

  • Từ khóa