Trung Quốc vừa ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa, mà thực ra là thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam
Tiếp sau việc đưa tàu xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như tiến hành xây dựng phi pháp trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…Trung Quốc vừa ngang nhiên tuyên bố thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam, mà thực chất đó là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong phần 2 của loạt bài “Bước đi sai trái mới của Trung Quốc ở Biển Đông”, phóng viên VOV phỏng vấn GS.TS Vũ Dương Huân, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao để làm rõ việc Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền lịch sử đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Những chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam canh giữ các cụm đảo nhỏ thuộc Trường Sa. |
PV: Thưa ông, ngày 18/4, Trung Quốc đã có hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, đó là việc Trung Quốc thông qua quyết định thành lập cái gọi là "khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” mà thực chất là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông có bình luận gì về mặt thời điểm, cũng như mưu đồ của Trung Quốc khi thực hiện hành động này?
GS.TS Vũ Dương Huân: Về mặt thời điểm thì tôi nghĩ rằng Trung Quốc có hai lý do để đưa ra quyết định vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế như vậy. Thứ nhất, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, họ cho rằng hành động trong thời điểm này thì phản ứng sẽ không được lớn, không được mạnh, không được kiên quyết. Đó là lý do thứ nhất.
Lý do thứ hai có thể nói là nó mang tính quy luật. Với Trung Quốc, khi nội bộ có vấn đề thì họ thường đẩy sự phức tạp ra bên ngoài để hạn chế phản ứng của dư luận trong nước. Đó là nhân tố thứ hai. Còn mưu đồ của Trung Quốc từ trước đến nay thì tôi cho rằng nó không phải là nhất thời. Từ lâu rồi, họ đã muốn chiếm trọn Biển Đông.
PV: Vậy cụ thể, nếu soi chiếu vào luật pháp quốc tế thì hành động của Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc nào về quyền thụ đắc lãnh thổ, thưa ông?
GS.TS Vũ Dương Huân: Luật pháp quốc tế có những nguyên tắc gọi là thụ đắc lãnh thổ. Nó có 3 nội dung chính. Một là đối tượng chiếm hữu lãnh thổ phải là đất vô chủ hoặc là chủ đã từ bỏ. Thứ hai, chiếm hữu phải là quốc gia chứ không phải là tư nhân. Thứ ba là phải tuân thủ các phương pháp thụ đắc lãnh thổ như chiếm hữu thực sự, hành xử chủ quyền thực sự, qua chuyển nhượng, qua tác động của tự nhiên, rồi củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử.
Như vậy là Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vì vi phạm điều thứ nhất, do Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ XVII và Việt Nam đã thực hiện chủ quyền liên tục tại hai quần đảo này từ Thế kỷ XVII đến nay. Như vậy, đây không phải là đất vô chủ. Thêm nữa, Trung Quốc đã vi phạm Điều 3 của nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ. Họ hoàn toàn không có chủ quyền lịch sử. Họ hoàn toàn chưa chiếm hữu, không chiếm hữu liên tục và cũng không chiếm hữu hoà bình. Tức là Trung Quốc đã vi phạm 2 Điều trong Luật về quyền thụ đắc lãnh thổ.
GS-TS Vũ Dương Huân (trái) trong một cuộc trao đổi tại trụ sở VOV. |
PV: Thưa ông, thời gian qua, Trung Quốc đã ngụy biện như thế nào về chủ quyền ở cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, hòng che mắt cộng đồng quốc tế?
GS.TS Vũ Dương Huân: Trung Quốc đã nguỵ biện về chủ quyền của họ ở Tây Sa và Nam Sa. Họ cho rằng, họ có chủ quyền lịch sử đối với 2 quần đảo này. Sách trắng của Trung Quốc đối với Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam) kết luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên khai thác, cai quản các quần đảo này từ hàng nghìn năm nay. Họ nêu những dẫn chứng như thế này: Thứ nhất, họ căn cứ vào quyển sách gọi là Dị vật chí từ thời Đông Hán, tức là Năm 25-220 trước Công nguyên và quyển sách nay đã thất truyền.
Một số học giả thời Minh, Thanh đã trích dẫn từ quyển sách thất truyền đó. Họ trích dẫn như thế này: Có một số đảo nhỏ, cồn cát, đá ngầm và băng cát tại Nam Hải, nơi đó nước cạn và có đầy đá nam châm. Nội dung này rất mơ hồ vì không nói rõ tên đảo. Thế nhưng học giả Hàn Chấn Hoa đã dựa vào đó để nói rằng Tây Sa (tức Hoàng Sa) là của Trung Quốc là vô lý và hoàn toàn không có cơ sở. Thứ hai, họ căn cứ vào cuốn sách Nam Sơn dị vật thời Tam Quốc, mô tả về các đảo đá và cát ở Biển Đông trong đó có đoạn nói đến chỗ nước nông và có đá nam châm, nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Như thế cũng không rõ ràng.
Thứ ba, họ căn cứ vào cuốn sách thời Xuân Thu, có đoạn viết như sau: Triều đại vẻ vang của nhà Chu trấn an dân man di, viễn chinh vùng Nam Hải để sở hữu của Trung Hoa. Đây chỉ nói là Nam Hải chung chung, chứ không nhắc tên đảo nào, thì làm gì có cơ sở? Thứ tư, họ căn cứ vào cuốn Chư thiên chí, Thế kỷ XIII, trong đó có mô tả địa lý đảo Hải Nam như sau: Đối diện Chiêm Thành, phía Tây nhìn sang Chân Lạp, Đông thì Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường, xa xôi không bờ đại dương vô tận. Với đoạn mô tả này, không thể khẳng định Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường là của Trung Quốc.
Thứ 5, họ căn cứ vào cuốn Hải Lục của tác giả Hoàng Chung thuộc đời Minh có đoạn viết như sau: Vạn Lý Trường Sa nằm ở Đông Nam, Thạch Lý Đường. Đây cũng không nói tên các đảo liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, có những tài liệu còn thừa nhận sự liên quan giữa các quần đảo đó với Việt Nam. Thứ 6 là cuốn Hải Lục của Vương Đình Nam 1820-1842 có đoạn viết như sau: lộ trình phía ngoài được nối liền với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm giữa biển, chiều dài của quần đảo khoảng vài ngàn dặm, nó là bức tường phòng thủ ngoài của An Nam. Dựa vào các tài liệu này, Trung Quốc nói rằng họ đã khám phá ra quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ thời nhà Hán năm 206 trước Công Nguyên. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nó không có cơ sở pháp lý. Cơ sở lịch sử cũng không rõ ràng.
PV: Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền lịch sử đối với Hoàng Sa và Trường Sa, song nước này không ngừng thực hiện các yêu sách chủ quyền như thiết lập các đơn vị hành chính một cách phi pháp, đưa tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hay tiến hành xây dựng trái phép ở Biển Đông... Vậy theo ông, đâu là các giải pháp để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc và giữ gìn hòa bình ổn định cho khu vực Biển Đông?
GS.TS Vũ Dương Huân: Tôi nghĩ rằng phải có những giải pháp tổng hợp, cả hiện tại và lâu dài. Song theo chủ quan của tôi, thì có một số giải pháp sau đây: Một là phải đổi mới nhận thức về Trung Quốc trên quan điểm đối tác, đối tượng. Thúc đẩy mặt đối tác, song kiên quyết, kiên trì chống lại mặt đối tượng. Thứ hai, tôi cho rằng, phải có phản ứng ngay và xác đáng đối với những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Biện pháp thứ ba là đẩy mạnh vận động quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam, chỉ rõ các sai trái của Trung Quốc.
Thứ tư, nhân năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, cần thúc đẩy thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), song COC phải có tính ràng buộc cao. Giải pháp thứ 5, tôi cho rằng, phải đẩy mạnh công tác chuẩn bị để có thể kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Thứ sáu là tăng cường lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, dân quân biển để bảo vệ vùng biển của chúng ta. Thứ bảy là tăng cường thông tin về đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo trong nhân dân trong nước, cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đó là một số suy nghĩ của cá nhân tôi.
PV: Xin cảm ơn GS. TS Vũ Dương Huân./.
Thu Hà - Hồ Điệp/VOV.VN