Sự hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam-Mỹ góp phần chia sẻ thành tựu kỹ thuật, nguồn nhân lực và còn rất nhiều tiềm năng hợp tác nữa.
Sống và làm việc tại Việt Nam trong hơn 25 năm qua, ông Mark Gillin - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) và hiện là Giám đốc công ty America Indochina Management (AIM) - doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, phân phối các mặt hàng kháng khuẩn và vệ sinh y tế, dành cho mảnh đất hình chữ S nhiều tình cảm.
Không chỉ năng động và đạt nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng, Việt Nam còn có rất nhiều điều thú vị trong mắt vị doanh nhân này. Ông đã có chia sẻ những cảm nhận của mình về những đổi thay của Việt Nam, đặc biệt là TP HCM trong tiến trình phát triển kinh tế mà hơn 20 năm ông đã gắn bó.
PV: Thưa ông, trong hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam, ông nhận xét như thế nào về sự thay đổi của Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế?
Ông Mark Gillin: Theo tôi, sự thay đổi lớn nhất của Việt Nam là từ một đất nước “đóng” đến “mở”. Tôi đến đây từ năm 1993, khi đó Mỹ và Việt Nam không có quan hệ thương mại vì những chính sách đặc biệt, không có hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Từ chỗ con số 0, giờ Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 7,8 -15 tỷ USD/năm. Đây là một con số tuyệt vời nếu chúng ta đánh giá tiến trình khi bắt đầu và cách để đạt được nó. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thu hút nhất thế giới.
Ông Mark Gillin - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam), Giám đốc công ty America Indochina Management (AIM). |
Tôi xin đưa ra vài ví dụ, đầu tiên là GDP, Việt Nam nằm ở top 8 thế giới. Về vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam cũng nằm ở nhóm cao. Còn nếu đánh giá trên số lượng sinh viên đi học hay du lịch nước ngoài thì cũng cao hơn Trung Quốc và Ấn Độ. Trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều sinh viên đang học tập ở nước ngoài.
Tôi nghĩ Việt Nam là một quốc gia đóng vai trò quan trọng của các tổ chức cộng đồng. Khi đất nước các bạn mở cửa thì nhiều người biết đến Việt Nam hơn và ngược lại. Tôi có thể khẳng định rằng, không một đất nước nào có sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế và xã hội như Việt Nam.
PV: Vậy những tính cách nào của người Việt khiến ông ấn tượng? Và điều đó thể hiện như thế nào khi Việt Nam trải qua những giai đoạn khó khăn?
Ông Mark Gillin: Điều ấn tượng nhất với tôi là cách người Việt làm việc cùng nhau mang tính đoàn kết, tương trợ, cộng đồng. Tôi thấy điều này ngay trên đường phố, khi 1 chiếc xe máy ngã xuống thì mọi người cùng giúp đứng lên.
Tôi cũng nhìn thấy điều này trong công ty của tôi. Mọi người thật sự quan tâm đến nhau trong cộng đồng, trong gia đình và nơi làm việc và trong từng nhóm nhỏ. Tôi cũng rất ấn tượng với sự chăm chỉ của người Việt khi làm việc, và cuối cùng là sự lạc quan của các bạn. Họ luôn tin là tương lai sẽ tốt hơn và phấn đấu cho đam mê của mình. Người Việt cũng rất hài hước, hay cười và khiến mọi điều thú vị hơn.
PV: Còn riêng với TP HCM - nơi ông vừa sống vừa làm việc trong một thời gian dài có gì đặc biệt? Hẳn có nhiều kỷ niệm mà ông không thể quên?
Ông Mark Gillin: TP HCM trước đây rất đặc biệt và bây giờ cũng vậy. Tôi đã từng sống và đi qua nhiều quốc gia để làm việc nhưng TP HCM vẫn rất đặc biệt. Đó là sự vận động liên tục của mọi người và cộng đồng. Từ khoảnh khắc đầu tiên tôi thức dậy trong ngày cho đến khi đi ngủ, mọi hoạt động xung quanh tôi cứ diễn ra liên tục. Tôi thấy mọi người tập thể dục, không biết họ tên là gì, họ cũng không biết tên tôi và gọi tôi là “ông Tây màu xanh”.
Lý tưởng nhất là khi lái xe và nhìn thấy những phụ nữ bán cà phê hay phở. Khi đến văn phòng thì cũng thấy mọi người hay xe cộ qua lại quanh mình, không có gì ngưng hoạt động cả. Điều này hoàn toàn khác với đất nước của tôi. Ở đây, bạn lái xe đi làm thì khoảng cách với người khác rất gần và có thể làm nhiều việc khác mang tính cộng đồng cao và đặc biệt nữa.
PV: Dưới góc nhìn của người từng điều hành một tổ chức thương mại, theo ông, TP HCM cần cải thiện những gì để trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư?
Ông Mark Gillin: Rất đơn giản, tiếp tục đơn giản hóa mọi thứ. Lần đầu tiên khi tôi đến Việt Nam mọi thứ đều rất khó khăn. Chỉ xin một cái giấy phép thôi mà mất hết 6 tháng hoặc 1 năm và tôi đã phàn nàn với nhân viên của tôi về việc này. Nhưng bây giờ, mọi thủ tục thương mại đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi, tuy nhiên vẫn còn khó khăn hơn cần thiết.
Mọi người đều mong muốn có nhiều nhà đầu tư bởi chính họ sẽ mang đến cơ hội, tuy nhiên, chính phủ cần tạo điều kiện hơn cho họ. Việc ứng dụng mạnh các thủ tục thương mại điện tử, hải quan điện tử và thuế điện tử sẽ thật sự giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Có nhiều điều không thể đoán trước được và doanh nghiệp thì không thích quá mạo hiểm. Khi họ bỏ vốn đầu tư, họ muốn biết rõ là tôi nhận được những lợi ích gì, được hỗ trợ ra sao trong tình huống rủi ro. Việc này đang được thực hiện tốt nhưng tôi nghĩ vẫn còn khá nhiều việc cần phải cải thiện.
PV: Năm nay Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Là một doanh nhân làm việc lâu năm tại Việt Nam, ông đánh giá ra sao về kết quả mối quan hệ này, đặc biệt là về kinh tế?
Ông Mark Gillin: Trước tiên, mối ngoại giao Việt Nam và Mỹ đang phát triển rất tốt. Quan hệ thương mại đạt 15 tỷ USD/năm. Tôi có thể nói đây là mối quan hệ kinh tế tuyệt vời giữa hai đất nước từng không có quan hệ thương mại.
Việt Nam cũng đang trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khối ASEAN, đưa mọi người đến gần nhau hơn. Sự hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam-Mỹ cũng góp phần chia sẻ thành tựu kỹ thuật, nguồn nhân lực và tôi nghĩ còn rất nhiều tiềm năng hợp tác nữa”.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bích Huyền/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-my-moi-quan-he-kinh-te-tuyet-voi-1043648.vov