TPHCM đang huy động mọi nguồn lực để đưa thành phố bứt phá lên ngang tầm với các đô thị trong khu vực và quốc tế.
Sau 45 năm được giải phóng, TPHCM vẫn giữ được vị thế của một đô thị lớn, năng động và sáng tạo nhất nước, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Không dừng lại ở đó, với tinh thần chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm với phương châm “vì cả nước, cùng cả nước”, Thành phố đang vận dụng nhiều cơ hội, quy tụ sức mạnh của mọi nguồn lực để bứt phá vươn lên từ việc xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, hình thành một Thành phố có chất lượng sống tốt với đủ các tiêu chí: Văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Cửa ngõ phía đông TPHCM |
Là Việt kiều Nhật Bản, thường xuyên đi về giữa hai đất nước, ông Lê Ngọc Lâm cảm nhận rõ sự đổi thay lớn của TPHCM sau 45 năm giải phóng: “Tôi cảm thấy TPHCM phát triển rất lớn, rất đậm nét. Người Nhật đi chung với tôi đều cảm thấy thành phố thay đổi từng ngày, nhất là cơ sở hạ tầng, những công trình lớn”.
“Các chính sách về đăng ký kinh doanh một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, nhất là phong trào khởi nghiệp ở thành phố phát động rất là mạnh mẽ và làm cho những người muốn tham gia vào thương trường đều cảm thấy thành phố đang trải thảm, tạo điều kiện thuận lợi. Đó là những mấu chốt mà tôi nghĩ thành phố sẽ luôn phát triển trong tương lai”, ông Lâm nói.
Không chỉ ông Nguyễn Ngọc Lâm mà rất nhiều kiều bào khi về Việt Nam đều tin tưởng vào sự phát triển và mong muốn được đầu tư vào TPHCM.
Ông Peter Hổng, Việt kiều Australia tâm sự: “Kiều bào hiện nay tin tưởng đất nước rất nhiều. Ngày xưa có nói cái này cái kia, nhưng mà tôi thấy 80% các kiều bào về Việt Nam đều muốn ở lại thành phố để đầu tư”.
Khu đô thị mới đang thành hình |
Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với TPHCM hoàn toàn có cơ sở, bởi sau gần nửa thế kỷ được giải phóng, Sài Gòn - TPHCM vẫn luôn giữ được vị thế của một đô thị năng động và sáng tạo nhất nước.
Với dân số khoảng trên 10 triệu người (chiếm hơn 9% dân số cả nước), nhưng TPHCM lại đóng góp gần 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế thành phố trong 30 năm đổi mới bình quân 10,7%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của thành phố gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước.
Đặc biệt, tận dụng cơ hội trong triển khai cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết 54 của Quốc hội, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế, nên trong năm 2019 vừa qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng kinh tế của Thành phố đều đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng.
Khu hầm Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM |
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỉ đồng, đạt 412.474 tỉ đồng, vượt 3,34% chỉ tiêu, chiếm hơn 27% tổng thu cả nước. GRDP tăng 8,32%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỉ USD, tăng 39% so với năm 2018. Trong năm qua có 1.320 dự án FDI được cấp mới, số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 44.000. Điều này đã phản ánh được sự tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng của nền kinh tế thành phố, đồng thời cho thấy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM đánh giá: “Qua phân tích các số liệu từ 2016-2020 cho thấy một vấn đề rất vui, đó là: Môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn, số lượng doanh nghiệp thành lập năm sau nhiều hơn năm trước. Ngoài ra quy mô vốn đầu tư của doanh nghiệp tăng, tăng 58% về số lượng doanh nghiệp, nhưng tăng 128% về quy mô vốn. Khi doanh nghiệp đầu tư quy mô vốn tốt hơn thì chứng tỏ năng lực của doanh nghiệp tốt hơn và đảm bảo tính bền vững hơn”.
Để thành phố hội nhập sâu với thế giới, và với mục tiêu vì nhân dân phục vụ, TPHCM đã triển khai xây dựng đô thị thông minh. Trong giai đoạn 1, đã xây dựng các trung tâm thuộc đề án và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đó là: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm an toàn thông tin. Đã có 23 đơn vị tham gia đề xuất nhiều chủ trương đầu tư, trong đó có nhiều đề án về y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh…
Hạ tầng của thành .phố được đầu tư xây dựng |
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: “Trong quá trình thực hiện, thành phố tìm mọi cách để Đề án đô thị thông minh tạo ra nguồn lực, thông qua việc khai thác các dữ liệu phân tích được trong quá trình hoạt động của thành phố. Đồng thời tạo ra được thị trường cho các doanh nghiệp lĩnh vực thông tin truyền thông và các lĩnh vực liên quan để tham gia vào cùng xây dựng đô thị thông minh, giúp TPHCM vượt qua được điểm nghẽn trong sự phát triển”.
Với Đề án đô thị thông minh, người dân TPHCM cũng đang từng bước cập nhật và ứng dụng số hóa ở nhiều lĩnh vực của đời sống hàng ngày, giúp họ thuận tiện hơn trong sinh hoạt và công việc.
Ông Nguyễn Anh Trang, người dân ở Quận 8 nhận xét: “Mỗi ngày khi bản thân tôi sử dụng một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet thì thông qua các ứng dụng tôi có thể đóng tiền điện, tiền nước, biết được thông tin kẹt xe, chống ngập. Thậm chí chỉ cần lên mạng thì đã có thể thực hiện các thủ tục hành chính một cách dễ dàng theo hình thức online. Tiện, lợi, nhanh gọn, hiện đại. Điều mà người dân chúng tôi mong đợi ở một thành phố thông minh đó chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
Cùng với xây dựng thành phố thông minh, TPHCM đang chuyển hướng phát triển đô thị về phía Đông. Đó là Khu đô thị sáng tạo tương tác cao, gồm 3 quận: Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức có diện tích 211 km2 với dân số khoảng 1,1 triệu người.
Vùng đất cửa ngõ phía Đông thành phố vốn là khu bưng biền trong kháng chiến, giờ trở thành mô hình “Thành phố trong thành phố”, bao gồm 6 trung tâm chính: Tài chính quốc tế; Công nghệ cao; Công nghệ giáo dục; Công nghệ sinh thái; Khu thể thao và sức khỏe; Khu đô thị cao cấp. Chính quyền TPHCM kỳ vọng đây là đô thị sáng tạo đúng tầm vóc, biến những ý tưởng thành hiện thực ứng dụng trong đời sống để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Chuyên gia Quy hoạch đánh giá cao vị trí của Khu đô thị sáng tạo phía Đông này: “Thứ nhất, đây là khu vực mà chúng ta thấy rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Thứ 2 là hạ tầng, không có khu vực nào của TPHCM có kết nối hạ tầng tốt như khu vực này. Và nếu chúng ta nhìn rộng ra thì thấy khu vực TPHCM nằm giữa sông Sài Gòn và Sông Đồng Nai chính là khu lõi trung tâm của vùng Đông Nam bộ”.
Muốn xây dựng đô thị thông minh, một thành phố sáng tạo thì cần phải có những con người thông minh, năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, TPHCM đang huy động mọi nguồn lực, phát huy truyền thống của một Thành phố anh hùng để đưa thành phố bứt phá lên ngang tầm với các đô thị trong khu vực và quốc tế./.
Cao Thoa/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/tphcm-huy-dong-moi-nguon-luc-de-tang-toc-but-pha-1044987.vov