Vụ xuân năm nay, nông dân toàn tỉnh cấy 15.400 ha lúa xuân. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh – đẻ nhánh rộ, trên lúa xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại đến ngưỡng phòng trừ. Đây là giai đoạn quan trọng, nếu không phòng trừ sâu bệnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy, cơ quan chuyên môn và người dân đang tập trung phòng trừ sâu bệnh gây hại.
Những ngày đầu tháng 5/2020, trên cánh đồng xã Nhật Tiến (huyện Hữu Lũng) bà con nông dân xuống đồng chăm sóc lúa xuân. Ông Nguyễn Văn An, thôn Đoàn Kết cho biết: Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ bắt đầu gây hại. Để diệt trừ, tôi đã sử dụng chổi quét trên lá để rách tổ làm sâu chết. Nếu mật độ hại cao, tôi sẽ tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật. Hiện tại, tôi vẫn thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện và xử lý kịp thời, không để sâu bệnh gây hại thành dịch.
Người dân huyện Hữu Lũng phun phòng trừ sâu cuốn lá gây hại
Không chỉ ở Nhật Tiến, trên cánh đồng ở một số xã trong huyện đã xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại trên lúa như: rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại với mật độ 20 – 25 con/m2, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn gây hại với mật độ thấp. Trong đó, thời điểm cuối tháng 4 có bệnh đạo ôn gây hại đến ngưỡng phòng trừ với diện tích 5 ha, tại các xã: Vân Nham, Đồng Tiến, Minh Tiến, Minh Hòa. Người dân các xã đã thực hiện các biện pháp phun phòng trừ, không để bệnh lây lan diện rộng thành dịch.
Tại huyện Tràng Định, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ và đã xuất hiện một số loại sâu bệnh như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ thấp, chưa đến ngưỡng phòng trừ. Tuy nhiên có bệnh đạo ôn lá gây hại với tỉ lệ phổ biến từ 3% – 5% lá, cục bộ tại một số xã như: Kháng Chiến, Cao Minh, Đào Viên, tỉ lệ bệnh hại từ 10% – 15% lá với diện tích 1,2 ha. Khuyến nông viên các xã đã hướng dẫn người dân các biện pháp phun phòng trừ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Dự báo thời gian tới, trên địa bàn tiếp tục có một số loại sâu bệnh gây hại như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh nghẹt rễ, đạo ôn gây hại. Trung tâm tiếp tục tăng cường và mở rộng điều tra, phát hiện nắm chắc diễn biến tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại cây trồng để tuyên truyền, khuyến cáo người dân phòng trừ kịp thời.
Không chỉ hai huyện trên, hiện nay, cơ quan chuyên môn, người dân các huyện, thành phố đã chủ động và tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân. Qua điều tra của cơ quan chuyên môn cho thấy: lúa xuân chính vụ trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, còn trên trà lúa xuân sớm ở giai đoạn làm đòng và xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, bệnh khô vằn… có mật độ thấp, mức độ gây hại nhẹ. Một số loại sâu bệnh gây hại mạnh như: rầy các loại mật độ phổ biến 200 – 500 con/m2, cao 750 – 1.000 con/m2, diện tích phòng trừ 4 ha ở huyện Bắc Sơn; bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ bệnh phổ biến 2% – 5% lá, cao 15% – 20% lá, diện tích phòng trừ 1 ha ở huyện Hữu Lũng, Tràng Định…
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Thời gian tới, dự báo trên lúa tiếp tục có rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn gây hại. Đặc biệt chú ý đối tượng rầy các loại và sâu cuốn lá. Bởi hiện nay, lúa đang giai đoạn làm đòng – giai đoạn sâu cuốn lá gây hại mạnh nhất. Thời tiết nắng to như hiện nay cũng là điều kiện cho rầy các loại phát triển, gây hại mạnh. Vì vậy, chúng tôi lưu ý các cơ quan chuyên môn cấp huyện tiếp tục tăng cường điều tra, theo dõi sự phát triển, gây hại của sâu bệnh để kịp thời khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Người dân cần bón phân cân đối, phát quang bờ bụi rậm, thăm đồng thường xuyên và phun thuốc phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn khi rầy gây hại mật độ cao. Dự kiến trong ngày 7/5, chi cục sẽ có văn bản gửi trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố về việc tăng cường phòng trừ sinh vật hại cây trồng vụ xuân.
ĐỖ HOẠT/baolangson.vn
http://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/285492-tap-trung-phong-tru-sau-benh-hai-lua-xuan.html