Sau dịch Covid-19 là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tập trung đổi mới trang thiết bị tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 diễn ra ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao.
Trong đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn, nên doanh thu quý I của các DN giảm mạnh xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh, nhưng các DN vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng...
“Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, trong đó khu vực DN nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh cao nhất với gần 50% số DN. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ DN bị thiếu hụt vốn cao nhất với trên 51% số DN”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. |
Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, cộng đồng DN Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Nhiều sáng kiến đã được triển khai như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế.
Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng DN để vượt qua khó khăn, ổn định và khôi phục sản xuất. Nhiều chính sách quan trọng đã được các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh với các chính sách về giảm thuế, phí, giảm giá hàng hóa, hỗ trợ tín dụng và phát triển thị trường…
Từ những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, tới đây là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tập trung đổi mới trang thiết bị tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xác định các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt để định hướng cho DN dịch chuyển cơ cấu sản xuất thay thế nhập khẩu.
Cụ thể, khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày... Phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu. Đồng thời, liên kết giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu với các DN sản xuất sản phẩm tạo thành chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như xúc tiến lưu thông hàng hóa, kết nối và đa dạng hóa thị trường đầu ra.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ cụ thể để giúp DN giảm giá thành sản phẩm…
“Thời điểm này cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới. Xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các thương hiệu ngành hàng/sản phẩm. Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị.
Bên cạnh các kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị cộng đồng DN tiếp tục phát huy tính chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN, nâng cao năng lực khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội.
Đối các DN nhỏ và vừa cần nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường để phát triển; nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần củng cố nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu, ưu tiên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị…/.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN