Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, Luật PPP nếu được thông qua, triển khai nhanh tăng thêm huy động vốn cho nền kinh tế và kích cầu nội địa.
Theo kế hoạch Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 26/5/2020, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Sáng 28/5/2020, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các Đại biểu thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ảnh minh họa/KT |
Việc xây dựng và ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.
Theo các chuyên gia, trên thực tế đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là một trong những hình thức đầu tư đã được thực hiện từ nhiều năm nay, có thể kể đến các dự án BOT trong xây dựng hạ tầng giao thông.
Bản chất của dự án là nhằm mục tiêu công, nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn. Vì vậy, chính sách pháp luật cần được xây dựng với chế tài đủ mạnh, phù hợp với thông lệ quốc tế, để khi đưa vào cuộc sống vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện để thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án này.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: "Luật PPP là luật để huy động thêm đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng, và những dự án trọng điểm của nền kinh tế.
Và những giải pháp trong Luật đưa ra có thể tháo gỡ ở mức độ nào đó những điểm nghẽn lâu nay còn ách tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của nền kinh tế.
Nếu được thông qua, triển khai nhanh, có hiệu lực từ 2021 thì đó cũng là một một biện pháp bổ sung thêm, để làm gia tăng, tăng thêm huy động vốn cho nền kinh tế và kích cầu nội địa.Và đấy là những giải pháp tôi cho rằng có thể tác động ngay đến việc làm gia tăng tốc độ phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19"./.
Nguyên Long/VOV.VN