Thời gian qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, các xã trên địa bàn huyện Đình Lập đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Từ việc khai thác, quản lý chặt chẽ, hiệu quả, các công trình đã phát huy giá trị sử dụng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Năm 2015, thôn Háng Ý, xã Châu Sơn được đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt với tổng số vốn hơn 1,2 tỷ đồng, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho 26 hộ dân. Ông Vi Xuân Ninh, Tổ trưởng Tổ quản lý sử dụng công trình cấp nước (CTCN) thôn cho biết: Tổ gồm 3 thành viên, có quy chế hoạt động. Hằng quý, chúng tôi thu phí 1.000 đồng/m3 nước, trong đó trích 50% vào quỹ bảo dưỡng công trình và 50% hỗ trợ cho các thành viên trong tổ. Dù mức thù lao không nhiều nhưng các thành viên trong tổ luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, thường xuyên theo dõi hệ thống đường ống, sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra, nhất là khi mùa mưa về. Đến nay công trình đã hoạt động ổn định gần 5 năm.
Người dân thôn Háng Ý, xã Châu Sơn sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung
Ngoài thôn Háng Ý, trên địa bàn xã Châu Sơn còn 6 công trình cấp nước sinh hoạt khác hoạt động hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, bà Lã Thị Ký, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Quản lý các CTCN xã cho biết: Ban Quản lý của xã gồm 7 thành viên, các thành viên được phân công theo dõi các thôn trên địa bàn. Sau khi được bàn giao công trình, Ban quản lý xã đã hướng dẫn các thôn thành lập tổ quản lý và xây dựng quy chế hoạt động riêng phù hợp đối với từng công trình thu phí và những công trình không thu phí. Để các công trình hoạt động tốt, Ban quản lý xã quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân chấp hành quy chế, bảo vệ nguồn nước và các CTCN.
Cùng với Châu Sơn, Bắc Lãng cũng là một trong những xã khai thác hiệu quả các CTCN. Từ năm 2012 đến năm 2019, xã được đầu tư xây dựng 6 công trình cấp nước với tổng số vốn hơn 7 tỷ đồng. Các công trình đều thành lập tổ quản lý, có quy chế hoạt động chặt chẽ, cụ thể. Trong quy chế có nêu rõ mức phí sử dụng nước; trách nhiệm của các thành viên tổ quản lý; trách nhiệm của người dân trong sử dụng, bảo vệ nguồn nước, CTCN; quy định rõ hình thức và mức xử phạt đối với cá nhân, hộ gia đình phá hoại hay làm hư hỏng công trình. Hiện phần lớn các công trình trên địa bàn xã đều thu được phí sử dụng, vận hành ổn định, thực hiện tốt chức năng cấp nước sinh hoạt cho bà con.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Đình Lập có 67 CTCN sinh hoạt tập trung. Trong đó, số công trình hoạt động tốt chiếm 92,5%. Để khai thác hiệu quả các công trình, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn huyện đã phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp, rút kinh nghiệm từ hoạt động của những công trình trước để xây dựng phương thức quản lý, sử dụng cho những công trình sau.
Ông Vi Văn Phúc, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Qua khảo sát thực tế cho thấy, hai giải pháp quan trọng mà huyện đã và đang thực hiện để phát huy hiệu quả các CTCN sinh hoạt là lắp đặt đồng hồ đo khối nước và lập tổ quản lý với quy chế hoạt động chặt chẽ. Với việc lắp đặt đồng hồ, các hộ gia đình có ý thức hơn trong việc sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước, không để xảy ra tình trạng “đầu thừa đuôi thiếu” như một số công trình trước đây. Trước khi bàn giao, cần thành lập tổ quản lý, xây dựng quy chế hoạt động phù hợp. Theo đó, các thành viên trong tổ sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, bà con cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn tài sản chung. Ngoài ra, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong khai thác, sử dụng các công trình.
Trong năm 2020, UBND huyện tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 7 CTCN tập trung tại các xã: Bính Xá, Bắc Xa, Kiên Mộc, Thái Bình. Dự kiến các công trình đều được lắp đồng hồ, sau khi bàn giao sẽ thành lập tổ quản lý để khai thác hiệu quả việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.
PHƯƠNG DUNG/baolangson.vn