5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm, thủy sản đều sụt giảm, trước diễn biến này, ngành nông nghiệp tập trung nhiều giải pháp.
Xuất siêu 3,3 tỷ USD
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về cán cân thương mại các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 3,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 27,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5%.
Bộ NN&PTNT cho biết, tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng 4/2020. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 7,4 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 210 triệu USD, giảm 19,1%; thủy sản ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,5%; lâm sản chính 4,2 tỷ USD, giảm 1,9%.
Các mặt hàng xuất khẩu tăng là cà phê, gạo, rau, sắn, quế, mây tre... Những mặt hàng giảm, như: cao su, chè đạt, hồ tiêu, cá tra, tôm.
Nông nghiệp tháo gỡ rào cản mở rộng thị trường. |
Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,8% thị phần. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, ước đạt 3,4 tỷ USD. Tiếp theo là thị trường EU ước đạt 1,6 tỷ USD, Nhật Bản đạt gần 1,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các nước ASEAN đạt gần 1,6 tỷ USD.
Về nhập khẩu, tính chung 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng chính ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 11,1%.
Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì và chăn nuôi có giá trị nhập khẩu tăng các mặt hàng khác như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, ngô, hạt điều, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Nâng cao chất lượng dự báo thị trường
Bộ NN&PTNT dự báo sang tháng 6, dự kiến tình hình thiên tai, dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến khó lường, việc tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu sẽ tốt hơn nhưng sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm, mọi lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đối với sản xuất lúa, chăn nuôi lợn, khai thác và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác gỗ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường.
Về định hướng trong thời gian tới, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó. Trong đó, Bộ NN&PTNT đang triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường. Đặc biệt, theo dõi sát tình hình doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn vào thị trường này.
Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) - cho biết thêm, hiện Bộ NN&PTNT đang hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, từng bước giảm dần mức độ phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil... và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Arab Saudi. Xây dựng chương trình đoàn công tác của Bộ tại Trung Quốc, Brazil, Liên bang Nga, Nhật Bản, Úc sau khi kết thúc dịch Covid-19.
Ngoài ra, Bộ tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong nước; tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất...
Bộ sẽ tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phối hợp với các đơn vị liên quan trong mạng lưới phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp SPS mới của Việt Nam đã thông báo với WTO. Hoàn thiện dự thảo đề án “Phát triển ngành chế biến rau củ quả để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới”; Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/thao-go-rao-can-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-nong-san-1056487.vov