Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân thu tiền triệu mỗi tháng

Thứ 2, 15.06.2020 | 08:20:02
1,054 lượt xem

Việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ở Bình Thuận đã giúp đồng bào có thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Dưới cái nắng gay gắt đầu tháng 6, đến thôn Tuy Tịnh 1, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận chúng tôi rất ngờ khi những chân ruộng thiếu nước giờ đây là những vườn táo xanh ngát, trái đầy cành, quả giòn ngọt.

Đang tỉa lại cành già chuẩn bị cho lứa táo mới, anh Đặng Thái An, người Chăm ở thôn Tuy Tịnh 1 chia sẻ: "Trước đây, 1 sào đất lúa của gia đình thuộc đất gò, chân ruộng không đều, thiếu nước tưới, năng suất bấp bênh. Từ ngày địa phương có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tôi mạnh dạn trồng chuối trên đất ruộng của mình, nhưng lợi nhuận thu được cũng không nhiều so với lúa".

chuyen doi co cau cay trong, giup nguoi dan thu tien trieu moi thang hinh 1
Vườn táo nhà anh An vào mùa thu hoạch.

Được Hội nông dân huyện cho đi tham quan, học hỏi mô hình trồng táo xanh của bà con nông dân tỉnh Ninh Thuận, thấy mô hình này hợp với đất ruộng gò của nhà mình, anh về áp dụng ngay. Đến nay, sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, cây táo cho năng suất và lợi nhuận cao.

“Trước kia trồng chuối nhưng cho thu nhập thấp nên chuyển sang trồng táo. Đến nay, kinh tế gia đình thay đổi hoàn toàn. Năng suất cũng có mà giá trị kinh tế cũng cao. Nếu so sánh giữa chuối và táo, thì thu nhập của táo cao hơn từ 3-4 lần. 1 sào đất trồng táo thu được từ 30-40 triệu, còn chuối thì cao nhất là 10 triệu đồng”, anh Đặng Thái An nói.

Cũng như anh Đặng Thái An, anh Lư Quốc Tuyền, người Chăm ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình cho biết, trước đây, toàn bộ 3 sào đất gò của gia đình chủ yếu là trồng 1 vụ bắp và cỏ nuôi bò. Được sự giới thiệu của cán bộ ngành nông nghiệp ở địa phương về mô hình trồng cây mãng cầu Thái Lan đạt hiệu quả kinh tế cao, anh mạnh dạn chuyển 2 sào đất sang trồng mãng cầu. Sau 3 năm chăm sóc, cây mãng cầu phát triển rất tốt.

Anh Tuyền phấn khởi chia sẻ: “Năm đầu tiên tôi thu hoạch được gần 2 tấn trái, giá bán bình quân 45.000 – 50.000 đồng/kg. Cây mãng cầu Thái này sau 5 năm trồng, tôi thấy phù hợp với đất ruộng gò ở đây. Cây sinh trưởng tốt, cho quả to, đẹp, năng suất hơn hẳn giống mãng cầu ta, nếu chăm sóc tốt, có thể đạt 22 tấn trái/ha”.

chuyen doi co cau cay trong, giup nguoi dan thu tien trieu moi thang hinh 2
Mô hình trồng mãng cầu Thái xen thanh long.

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái cho năng suất cao là hướng đi đúng đắn của tỉnh Bình Thuận, phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp nông dân hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang trong mùa nắng hạn, giảm lượng nước tưới.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có gần 50.000 ha đất canh tác lúa, gần 70% tổng diện tích lúa trên địa bàn trồng 3 vụ (Hè thu, vụ mùa và Đông xuân). Phần lớn nông dân áp dụng phương pháp tưới truyền thống là tưới ngập, lượng nước tưới cho 1 ha lúa cao khoảng 2,5 lần so với cây trồng cạn khác.

Trong khi đó, tình hình hạn hán trên địa bàn những năm gần đây ngày càng nghiêm trọng, cuối mùa mưa, các hồ chứa thường không tích đủ nước theo thiết kế, hàng năm phải cắt giảm diện tích gieo trồng. Vì vậy, tỉnh khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn liền với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với định hướng kinh tế thị trường; sử dụng các giống cây ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cấp nước tưới.

Ông Nguyễn Văn Chi – Giám đốc Trung tâm dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận, đơn vị cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho biết, thời gian gần đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: canh tác 2 lúa 1 màu, hoặc 1 lúa 1 màu trên đất lúa kém hiệu quả.

“Riêng vùng Hàm Cần theo chương trình phối hợp của Ban Dân tộc với UBND huyện Hàm Thuận Nam cũng đã triển khai từ đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang 1 vụ lúa, 1 vụ bắp. Trong vụ sản xuất 2020 này, trung tâm được giao nhiệm vụ và cũng đã triển khai, một số hộ đã xuống giống. Còn một số vùng khác, bà con có nhu cầu chuyển dịch từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái hoặc cây trồng khác và xã có đề xuất kiến nghị thì trung tâm sẵn sàng cung ứng”, ông Nguyễn Văn Chi cho hay.

chuyen doi co cau cay trong, giup nguoi dan thu tien trieu moi thang hinh 3
Mô hình trồng đậu phộng (lạc) trên đất cát cùng hệ thống tưới phun.

Để mô hình phát triển bền vững, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục động viên người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như táo, mãng cầu Thái, mít Thái…, khai thác tốt thế mạnh đất đai, nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân

“Hiện nay, ngành cũng phối hợp với các địa phương lựa chọn một số cây trồng phù hợp, có đầu ra thị trường để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các địa phương rà soát lại lợi thế từng vùng có cây trồng đó, giúp bà con dân tộc thiểu số chuyển đổi một số cây trồng khác như cây ăn trái, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện thủy lợi để nâng cao đời sống kinh tế của bà con”, ông Phan Văn Tấn cho biết.

Hiện, Bình Thuận đang bước vào sản xuất vụ Hè thu 2020 với diện tích gieo trồng khoảng 51.000 ha, trong đó 42.000 ha lúa và 9.000 ha bắp. Vì vậy, tại các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cân nhắc chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện nước tưới. Có như vậy, mới tránh được tình trạng đất bỏ hoang vào mùa nắng hạn./.


Thụy Sĩ/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-giup-nguoi-dan-thu-tien-trieu-moi-thang-1059667.vov

  • Từ khóa