Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu 3 "điểm nghẽn" trong phục hồi kinh tế sau đại dịch: nguồn cung lao động, cung ứng đầu vào, thị trường.
Phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng nay (15/6) về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu 3 vấn đề còn gặp nhiều khó khăn hiện nay: Một là về nguồn cung ứng nguồn lao động; hai là cung ứng đầu vào; ba là vấn đề về thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu trước Quốc hội sáng 15/6. |
Để chủ động có các giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy các hoạt động kinh tế sau đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Cần triển khai thực hiện quyết liệt 3 nhóm vấn đề cốt lõi:
Một là, củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số ít chuỗi cung ứng. Xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.
Hai là, tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ các FTAs đã ký, đặc biệt là CPTPP và EVFTA: Đã thực hiện ngay việc rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020; Xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, tận dụng có hiệu quả các cam kết hội nhập, đặc biệt là những cơ hội mới trong các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP... để thúc đẩy xuất khẩu.
Triển khai các hình thức xúc tiến thương mại mới để kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Tiến hành trao đổi trực tuyến ở nhiều cấp, trong đó Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp điện đàm với người đồng cấp của nhiều đối tác quan trọng để trao đổi về tình hình thương mại, giải quyết các khó khăn về thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tăng cường kết nối, phối hợp giữa các các Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước với hệ thống hơn Thương vụ và Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài để thiết lập cơ chế tiếp nhận, phản hồi các nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và các nước.
Thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử: Bộ Công Thương và Tập đoàn Amazon đang triển khai các chuỗi các sự kiện, hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn… hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua trang thương mại điện tử Amazon.co theo hướng phát triển và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, ngành hàng Việt Nam.
Ba là, tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử: Bộ Công Thương đã nghiên cứu để có phương án đề xuất nhằm kích cầu trong nước trong giai đoạn mới khi Việt Nam cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo xây dựng “Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử” để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước. Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại thông qua thực hiện các đề án, chương trình, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"..., Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh./.
Trần Ngọc-Nguyễn Quỳnh/VOV.VN