VEPR: Việt Nam nên thận trọng, tránh bẫy thành “sân sau” của Trung Quốc

Thứ 4, 17.06.2020 | 14:37:05
598 lượt xem

VEPR khuyến nghị, Việt Nam nên thận trọng để không trở thành "sân sau" của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ.

Khuyến cáo trên được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra trong báo cáo thường niên kinh tế Viêt Nam 2020, vừa công bố sáng nay (17/6) tại Hà Nội.

vepr: viet nam nen than trong, tranh tro thanh
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Viêt Nam 2020

Các chuyên gia kinh tế của VEPR nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có không ít thành tựu như: tăng trưởng GDP hơn 7%, lạm phát bình quân là 2,79%, thương mại và đầu tư quốc tế tăng cao, thị trường tiền tệ, vốn và tỷ giá đều có sự ổn định, thâm hụt ngân sách và nợ công được cải thiện…

Tuy nhiên, theo đánh giá của VEPR, các thành tựu nói trên đang dựa trên một nền tảng vĩ mô còn thiếu chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào khu vực – thậm chí là một số doanh nghiệp FDI; khối doanh nghiệp tư nhân còn dưới mức tiềm năng và phải chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước.

Măt khác, không gian chính sách cho chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp bởi sức ép lạm phát gia tăng cũng như bởi những cam kết đối với tỷ giá. Chính sách tài khóa lại không tạo nên những thay đổi tích cực trong cơ cấu thu ngân sách, trong khi nợ công cao, thâm hụt ngân sách không nhiều chuyển biến và khối tài sản nhà nước ngày càng thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang thiếu đệm tài khóa để đối phó với các cú sốc bên ngoài.

Các chuyên gia VEPR khuyến nghị, Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ.

vepr: viet nam nen than trong, tranh tro thanh
Khối doanh nghiệp tư nhân còn vướng rào cản từ môi trường thể chế. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, VEPR cũng cho rằng chính phủ cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhàm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ cần rất thận trọng đối với quyết định gia tăng vay nợ mới để trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu, đặc biệt trước tình hình quy mô GDP được tính lại năm 2020 khiến trần nợ công có thể được nới lỏng.

VEPR cho rằng, Chính phủ nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ, tỷ giá để đối mặt với bất ổn kinh tế thế giới như: điều chinh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định, hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, từng bước xây dựng "đệm tài khóa" thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước, cắt giảm chi tiêu thường xuyên…/.


Trần Ngọc/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/vepr-viet-nam-nen-than-trong-tranh-bay-thanh-san-sau-cua-trung-quoc-1060781.vov

  • Từ khóa