Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.
Nhiều Bộ xin trả hàng nghìn tỷ đồng vốn ODA
Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đang xuất hiện tình trạng các Bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn trong 6 tháng qua. Đơn cử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/3.638 tỷ đồng dự toán vốn của bộ này để chuyển cho các bộ và địa phương khác.
Cùng đó, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội do dự án này không thể giải ngân theo kế hoạch.
Dự án tuyến Metro số 1 của TPHCM (Ảnh minh họa: KT) |
Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao sai dự toán cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 16 tỉnh tham gia "Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2" vay ADB từ nguồn chi theo cơ chế tài chính trong nước sang ghi thu ghi chi nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.
Hai "đầu tàu" kinh tế đều giải ngân chậm
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, hiện TPHCM đang triển khai thực hiện 9 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài, tổng vốn của 9 dự án này là 122.500 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp. Tính đến tháng 6, lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 1.601 tỷ đồng, chiếm 10,31% kế hoạch vốn giao. Tỷ lệ này thấp hơn tỉ lệ vốn đầu tư công nói chung.
Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp là do thành phố đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.
Các dự án tuyến Metro số 1 và Metro số 2 mới được phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, do vậy hai dự án này mới trong quá trình tổ chức đấu thầu và một số gói thầu đã bị hủy và tổ chức đấu thầu lại. Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa thể hoàn tất các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại thành phố, nhất là đối với các gói thầu ngắn hạn cần phải có sự tham gia của các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản.
Còn tại Hà Nội, tính đến hết tháng 6, giá trị thực hiện kế hoạch năm 2020 của thành phố ước đạt 1.886,6 tỷ đồng (31,6% kế hoạch), trong đó, vốn ODA thực hiện 1.553,6 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch. Giá trị giải ngân kế hoạch năm đạt 24,1%; giá trị giải ngân kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020 đạt 24,2% kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án ODA, thành phố cũng gặp một số vướng mắc, như: dự án tuyến đường sắt đô thị 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo không thi công được các gói thầu xây lắp, không giải ngân được kế hoạch vốn ODA cấp phát đã giao do vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án (chưa thực hiện xong) và liên quan đến quy hoạch ga ngầm C9 (sát Hồ Hoàn Kiếm); Dự án tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn-ga Hà Nội còn một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9-Hệ thống thẻ vé do chưa ký được Hiệp định vay bổ sung 20 triệu Euro với Chính phủ Pháp nên chưa ký được hợp đồng vay lại…
Cần mạnh tay chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà, với 6 tháng còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn nước ngoài nói riêng từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề vì khối lượng còn lại rất lớn.
“Nếu các Bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và ảnh hướng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020,” Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
Đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn (Ảnh minh họa: KT) |
Do đó, thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, có nguồn vay vốn nước ngoài, vay ưu đãi nước ngoài. Ngoài ra, khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để có cơ sở giải ngân.
“Đối với các cơ quan chủ quản, khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án. Lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng, và các dự án sắp hoàn thành, hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn”, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) kiến nghị.
Đối với số vốn nước ngoài các năm trước thuộc kế hoạch trung hạn đã bị hủy do không kịp giải ngân theo dự toán và ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện của dự án, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan chủ quản tổng hợp để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ cam kết với nhà tài trợ và đảm bảo cho dự án không bị chậm trễ trong quá trình thực hiện./.
Cẩm Tú/VOV.VN