Nếu ĐTTN tăng 1% thì sẽ giúp GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm khoảng trên 0,15 điểm %, do đó cần nhiều lực đẩy để gia tăng thu hút ĐTTN.
Vẫn còn nhiều lực cản kinh tế tư nhân
Hiện khu vực kinh tế tư nhân (cả doanh nghiệp (DN) tư nhân và hộ kinh doanh cá thể) đóng góp gần 40% GDP, đây là mức đóng góp cao nhất trong các thành phần kinh tế đối với tăng trưởng GDP của đất nước. Theo tính toán của một số đơn vị nghiên cứu, nếu đầu tư tư nhân (ĐTTN) (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1%, thì sẽ giúp GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm khoảng trên 0,15 điểm %. Đây cũng là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng góp phần khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, mặc dù đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nhưng hiện vẫn có một số yếu tố về môi trường kinh doanh đang là những lực cản đối với sự đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN). Trước hết, mức độ dễ dàng trong kinh doanh vẫn còn là điều đáng quan ngại, cũng như chi phí của môi trường kinh doanh vẫn còn cao và đắt đỏ. Biểu hiện là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN vẫn còn rườm rà, phức tạp, khiến DN mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí tuân thủ quy định pháp luật, thủ tục hành chính.
Hiện còn nhiều lực cản khu vực kinh tế tư nhân phát triển. (Ảnh minh họa) |
“Chi phí không chính thức cũng là một vấn đề nghiêm trọng mà tất cả các khu vực DN, đặc biệt là các DN thuộc khu vực KTTN đang gặp phải. Đơn cử, theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 công bố mới đây cho thấy, vẫn có đến hơn 50% DN phải trả chi phí không chính thức. Điều đó hàm ý rằng, các khoản chi phí không chính thức vẫn đang “ăn mòn” một phần nhất định vào doanh thu của DN, là một gánh nặng tài chính đáng kể đối với bất kỳ một DN nào”, TS. Lê Duy Bình nói.
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử nhất định giữa các DN tư nhân và DN nhà nước, giữa DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
“Nhiều chính quyền địa phương dường như còn có những biểu hiện ưu ái các DN nhà nước hơn trong các vấn đề như tiếp cận các nguồn lực về đất đai, cơ hội nhận các hợp đồng từ các dự án đầu tư công… hay ưu tiên việc thu hút vốn đầu tư từ khu vực DN FDI hơn là nguồn vốn đầu tư từ khu vực DN tư nhân trong nước… Những rào cản, hạn chế trên của MTKD đang làm cản trở, thậm chí làm nhụt chí đầu tư, kinh doanh của nhiều DN tư nhân trong nước”, TS. Lê Duy Bình chỉ rõ.
Xây dựng mô hình “sếu đầu đàn”
Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị phấn đấu năm 2020 đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 5%. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam năm nay có thể chỉ tăng trưởng khoảng 2,7% – 3%, hoặc khả quan nhất là khoảng 4%. Bởi vậy, để có thể hiện thực hóa mục tiêu rất thách thức đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả cả 5 mũi đột phá, trong đó có mũi nhọn đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân.
TS. Lê Duy Bình cho rằng, trong bối cảnh phần lớn DN đang gặp rất nhiều khó khăn hậu Covid-19, những rào cản từ môi trường kinh doanh cần phải tiếp tục được tháo gỡ kịp thời.
Dịch Covid-19 khiến DN gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều DN kiệt quệ, ngừng hoạt động |
“Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm cắt giảm tối đa chi phí cho DN. Đặc biệt, cần triệt để ngăn chặn cũng như xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có biểu hiện vòi vĩnh, “hành” DN… Có như vậy mới gia tăng niềm tin của DN vào môi trường kinh doanh, từ đó tạo động lực để DN đẩy mạnh đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh”, TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Đồng thời, cần tạo cơ hội để DN tư nhân có thể gia tăng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Bởi quy mô trung bình của một dự án FDI trong những tháng đầu năm chỉ vào khoảng hơn 2 triệu USD/dự án, trong khi trong khoảng hơn 700.000 DN Việt đang hoạt động thì có đến vài chục nghìn DN có khả năng đầu tư những dự án với quy mô này.
“Chính quyền các địa phương cần có định hướng, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước có khả năng thực hiện những dự án như vậy tham gia, thay vì phải tìm đến thu hút nguồn vốn đầu tư từ các DN FDI”, TS. Lê Duy Bình góp ý.
Còn theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, sau đại dịch Covid-19, DN tư nhân Việt Nam, trong đó đa phần là DN nhỏ và vừa bị “chao đảo”. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ về kết nối cung – cầu thị trường, xúc tiến các hoạt động thương mại, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới…, qua đó, sẽ kích thích khu vực kinh tế tư nhân tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính một cách minh bạch, triệt để, hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn, đất đai thuận lợi cho tất cả các DN nói chung, Chính phủ nên có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho các DN, tập đoàn tư nhân lớn. Các DN này sau đó sẽ giữ vai trò dẫn dắt các DN nhỏ khác, hình thành nên hệ sinh thái mới, chuỗi giá trị mới cùng với hàng ngàn DN Việt, giải quyết việc làm cho lao động cũng như đầu ra cho DN, qua đó góp phần kích thích đầu tư tư nhân.
“Cần có những DN lớn dẫn dắt với vai trò là ‘sếu đầu đàn’ để các DN tư nhân khác tham gia vào chuỗi giá trị mới. Với những DN này cần có ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai... dành cho họ để họ làm tốt vai trò dẫn dắt của mình, qua đó thúc đẩy đầu tư tư nhân từ các DN trong hệ sinh thái”, ông Mạc Quốc Anh nêu quan điểm./.
Diệp Diệp/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/thu-hut-dau-tu-tu-nhan-cu-hich-de-thuc-tang-truong-kinh-te-1065381.vov