6 tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp vượt qua nhiều biến động, khủng hoảng, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng 1,81% GDP của nền kinh tế.
Khai thác tối đa cơ hội tiêu thụ nông sản
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi “thoát âm” và tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%.
Bộ NN&PTNT đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, mở cửa, phân tích, dự báo về nhu cầu, diễn biến thị trường trước tác động của dịch Covid-19 để đề ra giải pháp ứng phó, kịp thời xử lý các vướng mắc. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,81 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 4,5 tỷ USD.
Nông nghiệp khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. |
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Cụ thể, vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, chôm chôm vào Đài Loan, dâu tây và bí ngô vào New Zealand; tôm và cá tra xuất khẩu vào Brazil,…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã lên các tỉnh biên giới phía Bắc để khơi thông các điểm tắc nghẽn tại biên giới Việt – Trung. Và cùng Thứ trưởng Trần Thanh Nam vào đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết vấn đề ùn ứ thanh long...
Đối với tiêu thụ nội địa, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, như Big C, AEON, Hapro, Vinmart…
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: “Sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, ngành thủy sản đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở thị trường nội địa. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã trực tiếp chủ trì hai hội nghị nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm cá tra ở thị trường trong nước. Do đó, hoạt động tiêu thụ cá tra có chuyển biến tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng dương 3% trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
6 tháng qua, 9 nhà máy chế biến nông sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động. Chỉ tính riêng rau quả, công suất chế biến của các nhà máy lên tới 1,5 triệu tấn, gấp 3 lần so với trước. Nhờ đó, vùng nguyên liệu của nhà máy mở rộng, tạo cơ hội để nông dân tiêu thụ hết nông sản, tránh tình trạng “đổ bỏ” khi vào cao điểm thu hoạch cung vượt cầu.
Tuy nhiên, 6 tháng qua, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm, tiêu thụ nông sản giai đoạn hậu dịch Covid-19 chậm do các nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại...
Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2020 đạt từ 2,5 - 3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 41 tỷ USD, toàn ngành phải nỗ lực vượt bậc, theo phương châm là hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của thời tiết bất thuận, đặc biệt khi cuối năm là mùa mưa bão”.
6 tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp vượt qua nhiều biến động, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng 1,81% GDP của nền kinh tế. |
Bên cạnh đó, các lĩnh vực, ngành hàng phải tận dụng khai thác những thế mạnh từ dư địa để phát triển thị trường trong nước, tranh thủ thời cơ về nhu cầu thị trường cho xuất khẩu khi dịch Covid-19 được khống chế tốt...
Đối với mặt hàng thịt lợn, để đạt mục tiêu sản xuất đủ nguồn cung, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, ổn định giá thịt lợn trong nước, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, cần đặc biệt tăng đàn, tái đàn ở các nông hộ lớn, nông hộ chuyên nghiệp bằng cách cung cấp đủ giống, phổ cập chăn nuôi an toàn sinh học và gắn với chuỗi liên kết và Cục đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng; hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thời gian tới, ngành nỗ lực tối đa để đạt mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo sản lượng năm 2020 đạt 8,5 triệu tấn. Ngành sẽ bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là thị trường để chỉ đạo trong sản xuất, nhất là đối với mặt hàng tôm, cá tra và cá ngừ.
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề gỡ “thẻ vàng” IUU, Tổng cục Thủy sản sẽ chuẩn bị tốt nhất để đón đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sang bất kỳ lúc nào.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, mực nước, xâm nhập mặn, hạn hán ở các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL; có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất; tăng cường chỉ đạo, điều hành bảo đảm an toàn cho các đập, hồ chứa trong mùa mưa bão./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/nong-nghiep-khang-dinh-vai-tro-be-do-cua-nen-kinh-te-1066512.vov