Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn

Thứ 7, 11.07.2020 | 10:32:24
767 lượt xem

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn một số vụ vận chuyển lợn giống, lợn thịt không có giấy tờ kiểm dịch từ các tỉnh khác vào địa bàn tỉnh tiêu thụ; lực lượng trên tuyến biên giới liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển sản phẩm từ lợn trái phép vào nội địa. Điều quan ngại là một số lợn giống, sản phẩm từ lợn sau khi lấy mẫu kiểm tra đã dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Từ ngày 18/6 đến ngày 1/7/2020, lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình, trong đó chủ công là cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Chi Ma và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã phát hiện, thu giữ gần 2 tấn thịt lợn đông lạnh, nầm lợn nhập lậu từ Trung Quốc vào địa bàn.

Thiếu tá Lý Văn Tý, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Chi Ma cho biết, từ đầu tháng 6/2020 đến nay, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách vận chuyển sản phẩm thịt lợn từ Trung Quốc qua các tuyến đường mòn thuộc địa bàn thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Các đối tượng chủ yếu hoạt động vào ban đêm, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng bỏ hàng chạy ngược lại bên Trung Quốc. Điều này khiến công tác ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình thu giữ hơn 1 tấn sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới

Ngoài lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình, từ đầu tháng 6/2020 đến nay, lực lượng chức năng ở các huyện biên giới khác như: Văn Lãng, Cao Lộc, Tràng Định, Đình Lập đã phát hiện 11 vụ buôn bán, vận chuyển sản phẩm từ lợn, tổng trọng lượng các sản phẩm từ lợn  thu giữ được gần 5 tấn.

Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng chức năng ở nội địa cũng phát hiện 2 vụ vận chuyển lợn giống nhập tỉnh (hơn 100 con) không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, đặc biệt, trong số lợn này, sau khi lấy mẫu kiểm tra, đã có mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Việc vận chuyển lợn giống chưa qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh và tình trạng nhập lậu sản phẩm từ lợn ở bên kia biên giới vào nội địa là một trong những nguyên nhân gây tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát  trên địa bàn tỉnh từ tháng 4/2020. Một trong những nguyên nhân là nhiều hộ chăn nuôi mua phải lợn giống mang mầm bệnh. Một nguyên nhân khác nữa là có một số hộ đi làm tại khu vực biên giới, mua thịt lợn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sản phẩm thịt lợn này cũng mang mầm bệnh nên khi mang về sử dụng, mầm bệnh lây sang đàn lợn của gia đình.

Để kiểm soát và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 739 ngày 3/7/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng chống buôn lậu đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới, đồng thời kiểm soát chặt lợn nhập vào tỉnh.

Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng kiểm tra, phun khử trùng xe chở lợn nhập tỉnh

Theo đó, thời gian này, lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, quyết liệt triển khai hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà các cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, tập kết hàng hóa khu vực nội địa tỉnh và cả trên các tuyến lưu thông…; không để sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc thẩm lậu vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các lực lượng như: công an, QLTT, cơ quan thú y tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát ngay từ các cửa ngõ trên tuyến quốc lộ vào địa bàn tỉnh, ngăn chặn, không để lợn thương phẩm, lợn giống không đảm bảo vệ sinh thú y, không có giấy tờ kiểm dịch  vận chuyển vào tỉnh.


Trí Dũng/baolangson.vn

http://baolangson.vn/kinh-te/298165-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-tang-cuong-kiem-soat-viec-van-chuyen-lon-va-san-pham-tu-lon.html

  • Từ khóa