Phát triển đô thị thông minh là rất quan trọng. Trong khi đó, yêu cầu của TP. HCM cần phát triển nhanh nhưng cơ chế của chúng ta lại chuyển động chậm.
Sáng 16/7, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM tổ chức buổi khảo sát tình hình triển khai thực hiện đề án “Xây dựng TP. HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, trong việc xây dựng đô thị thông minh, thế giới đã đi trước Việt Nam rất xa. Càng phát triển đô thị thông minh thì các nước lại càng đi nhanh hơn. Trong khi đó, yêu cầu của TP. HCM cần phát triển nhanh nhưng cơ chế của chúng ta lại chuyển động chậm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. |
Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị, lãnh đạo TP. HCM cần có những kiến nghị thiết thực, cụ thể để đoàn Đại biểu Quốc hội báo cáo, thúc đẩy ở phạm vi toàn quốc. Bởi, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh có liên quan đến các Bộ, ngành chứ TP. HCM không thể đứng một mình như một “ốc đảo” thông minh được.
Theo đại biểu Nghĩa, tháo gỡ về cơ chế và các quy định pháp lý, chính sách là yếu tố rất quan trọng. Nếu như cơ chế hiện nay thì không thể làm được, bởi cơ chế không cho phép sự linh hoạt. Nhất là đụng tới ngân sách, tài sản công.
Một khó khăn nữa trong xây dựng đô thị thông minh là kinh phí mua sắm cơ sở vật chất hiện đại. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. HCM cho biết, Viện được giao xây dựng Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (một trong bốn trung tâm trụ cột của đề án đô thị thông minh). Vào ngày thành lập trung tâm này (1/8/2019), đơn vị phải đi thuê máy móc, thiết bị để mô phỏng, dự báo cho lãnh đạo thành phố xem. Và cho tới giờ này, không có máy móc, thiết bị nào được mua sắm tại trung tâm.
“Cái khó trong mua sắm hiện nay là phải đấu thầu tập trung. Mà những sản phẩm, thiết bị ngành công nghệ thông tin lại mang tính đặc thù. Chúng ta tiếp tục kiến nghị để HĐND, Quốc hội có luật riêng trong việc mua sắm tài sản công dành cho công nghệ thông tin. Như vậy mới giải quyết được bài toán”, ông Trần Hoàng Ngân cho biết.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM, tính đến ngày 30/4/2020, thành phố đã công bố kết quả giai đoạn một của 3 trụ cột đề án. Trong đó, đối với trụ cột kho dữ liệu dùng chung, hiện, một phần đã được chia sẻ qua cổng dữ liệu mở của thành phố, bước đầu chia sẻ tài nguyên với người dân, doanh nghiệp. Trung tâm điều hành đô thị thông minh giai đoạn 1 và Trung tâm Mô phòng và Dự báo kinh tế - xã hội giai đoạn 1 đi vào vận hành, góp phần phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố trong các đợt cao điểm./.
Duy Phương/VOV-TPHCM