Để "mũi giáp công" đầu tư công trở thành cú hích đối với tăng trưởng, cần tháo gỡ triệt để các "nút thắt" về thể chế, GPMB, phát huy tính sáng tạo...
Giải ngân đầu tư công được coi là “cửa” sáng nhất trong các “mũi giáp công” mà Thủ tướng Chính phủ vừa nêu ra để hồi phục nền kinh tế theo mô hình chữ V sau đại dịch Covid-19.
Song, trên thực tế, con số được Tổng cục Thống kê chỉ ra khiến “cửa”
giải ngân vốn đầu tư công bớt đi gam màu sáng, đó là: nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch hàng năm. Thậm chí, năm sau lại có xu hướng giảm hơn năm trước. Cụ thể, nếu năm 2016, giải ngân được 97,8% kế hoạch, thì sang năm 2017 chỉ còn 94,4%; năm 2018 là 92,3% và năm 2019 là 89,5%.
Sang năm nay, con số hơn 630 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cũng khó có thể tiêu hết. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 là 159.397,188 tỷ đồng, mới chỉ đạt 33,9% kế hoạch.
Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công phục vụ tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa) |
Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu gỡ các “nút thắt” để giải ngân hơn 630 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công.
"Tắc" ở đâu?
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ và đề nghị xử lý dứt điểm "3 cái đọng" trong giải ngân vốn đầu tư công: Thứ nhất là vốn đọng, không được để vốn đọng, có tiền đó mà không tiêu được. Thứ hai là không để nợ đọng, tức là hạng mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”. Thứ ba là thủ tục đọng, một vấn đề phổ biến hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu triển khai các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh vốn đầu tư công. (Ảnh: VGP) |
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên…
Bên cạnh đó, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.
Ngoài những nguyên nhân cố hữu nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong những tháng đầu năm 2020 xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đó là những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và đây là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn nên các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới vừa chuẩn bị dự án cho giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch…, Bộ trưởng KH&ĐT thẳng thắn nhìn nhận.
Cách nào “gỡ” nút thắt?
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được đề cập nhiều năm rồi, và cho đến nay, thực trạng này cũng không được cải thiện bao nhiêu, mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đốc thúc.
TS. Nguyễn Đình Cung nêu thực tế: Cùng một thể chế, cùng một chính sách như nhau, nhưng đã có những địa phương, có những ngành đã vượt qua được rào cản và khắc phục được những nguyên nhân về thể chế, nguyên nhân khách quan…. Do đó, theo ông Cung, cần rút ra bài học từ những địa phương, từ những ngành đã giải ngân tốt và đưa những kinh nghiệm đó, chuyển ngay những kinh nghiệm đó cho các địa phương khác.
“Đặc biệt là vai trò của người dân trong việc giải phóng mặt bằng, và nếu như người dân, chính quyền địa phương mà không đồng thuận hoặc có gì đó chưa thật thoải mái thì chắc chắn vẫn còn vướng mắc”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
Có một yếu tố quyết định nữa mà nguyên Viện trưởng CIEM đưa ra là tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo ở địa phương - mà trực tiếp là những người đứng đầu (hai người đứng đầu rất quan trọng, đó là Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố).
TS. Cung cho rằng ở đâu có vốn thì ở đấy phải triển khai thật nhanh, thật đúng tiến độ và giải ngân hết bởi vì mỗi một đồng vốn đầu tư công vào là tạo ra lợi ích rất nhiều cho nền kinh tế và chính lợi ích của địa phương, của ngành đó.
Theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thì cần phải nhìn nhận rõ các “điểm nghẽn” trong các dự án, chẳng hạn như ách tắc trong giải phóng mặt bằng, các ràng buộc, vướng mắc trong các thủ tục triển khai dự án hay việc phân bố vốn chậm… Khi giải ngân chậm sẽ kéo theo hệ thống hạ tầng cốt lõi sẽ không theo kịp nhu cầu của nền kinh tế. Đồng thời, khi “vốn mồi” của nhà nước ít việc thu hút các nguồn đầu tư xã hội cũng sẽ ít hơn, và điều này khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với mong muốn.
“Có thể tăng trưởng chậm đó không chỉ diễn ra ở giai đoạn trước mắt mà có thể sẽ gây hệ lụy lâu dài bởi đầu tư công vào những công trình hạ tầng thường phát huy tác dụng trong một giai đoạn chậm hơn, 5 năm hoặc 7 năm sau. Do vậy, chúng ta thấy, nếu không đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thì không phải chỉ giai đoạn này chúng ta khó khăn mà có thể 5-7 năm sau chúng ta cũng rất khó để tạo ra được sự tăng trưởng như kỳ vọng”, PTS. TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh./.
Trần Ngọc/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/can-thao-bang-duoc-cac-diem-nghen-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-1074187.vov