Tại Việt Nam, nửa đầu năm nay, dù đại dịch Covid-19 tác động đa chiều, ngành công nghiệp mới nổi - Thương mại điện tử vẫn đạt tăng trưởng 25%.
Việt Nam đang tranh thủ, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như thế nào để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số? Và trong tương quan khu vực, Việt Nam nói riêng, các quốc gia thành viên chủ động phối - kết hợp ra sao nhằm thúc đẩy số hóa kinh tế nội khối nhanh hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không nhỏ tới Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như Việt Nam.
Phân chia “miếng bánh” thương mại điện tử
Mua, bán trực tuyến; ký kết hợp đồng không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền giấy hay xuất hóa đơn chỉ trong vài giây cho đối tác ở bất cứ nơi đâu… Những lợi ích của thương mại điện tử nói riêng, của kinh tế nền tảng dựa trên kết nối internet nói chung (hay chính là kinh tế số) đang thể hiện trong thực tế đời sống, trở thành “mục tiêu” của mọi cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia.
Tại Việt Nam, nửa đầu năm nay, dù đại dịch Covid-19 tác động đa chiều, ngành công nghiệp mới nổi - thương mại điện tử - vẫn đạt tăng trưởng 25%. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Nguyễn Kỳ Minh – Giám đốc Trung tâm Thương mại Điện tử, Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương khẳng định “Cơ hội dành cho tất cả, cộng đồng kinh tế ASEAN có tiềm năng lớn”.
“Dự báo 2025 quy mô nền kinh tế số lên tới hơn 200 tỷ USD, tập trung vào các dịch vụ: gọi xe (như Grab bây giờ), online media với khoảng 19,5 tỷ USD; du lịch trực tuyến và thương mại điện tử -ecommerce với khoảng 88,1 tỷ USD. Rõ ràng Đông Nam Á có cơ hội nhưng quan trọng là làm sao hưởng được miếng bánh này trong bối cảnh cả Châu Á - Thái Bình Dương đều muốn?”, ông Minh nêu ý kiến.
Làm sao để đẩy mạnh thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới? Đó từng được coi là câu hỏi khó. Nhưng lời giải đã dần được định hình. Từ năm 2017, kinh tế dựa trên nền tảng internet toàn Đông Nam Á đã có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới khi đạt tới 50 tỷ USD, vượt 35% dự đoán trước đó của giới chuyên gia.
Hai năm liên kề là 2018, 2019, lĩnh vực này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng quanh ngưỡng 30%. 2020, Đông Nam Á tiếp tục là “nền kinh tế di động” với lượng người sử dụng thiết bị thông minh ngày càng nhiều; hình thức mua sắm-thanh khoản trực tuyến đa dạng-hấp dẫn; các công ty khởi nghiệp trên “thương trường ảo” tăng mạnh cả về số lượng lẫn thu nhập.
Ông Lê Hải Bình, Chủ tịch Tập đoàn Axys, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam diễn giải: “Covid-19 đã cho thấy doanh nghiệp nào có chuyển đổi số thì tồn tại được và doanh nghiệp nào không thể thích ứng kịp thì sẽ bị đào thải”.
“Số hóa đã đi vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, nên việc số hóa thương mại điện tử là lĩnh vực ưu tiên-tiên quyết cho phát triển buộc phải làm. Các doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo, vì nếu đứng yên là đi thụt lùi”, ông Bình nhấn mạnh.
Cũng chính bởi những lí do đó, Việt Nam nói riêng và các nước thành viên trong khu vực ASEAN đã, đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình hợp tác đa phương và song phương – tận dụng lợi ích, khai phá tiềm năng của “ngành công nghiệp số”. Quan trọng nhất phải kể đến Hiệp định Thương mại điện tử được các Bộ trưởng ký vào ngày 12/11/2018, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33.
Ở thời điểm đó, đại diện nước chủ nhà, Bộ trưởng thương mại và Công nghiệp Singapore - Chan Chun Sing đã nêu bật vấn đề: “Thỏa thuận đã được ký kết sau nhiều vòng đàm phán, nhằm 3 mục đích. Thứ nhất là tạo thuận lợi hóa cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Thứ 2 là tạo một môi trường đáng tin cậy trong việc sử dụng thương mại điện tử và cuối cùng là thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong ASEAN”.
“Chúng ta cần phải tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thúc đẩy hơn nữa về trao đổi thương mại thông qua sử dụng thương mại điện tử. Đây là tiềm năng để tăng trưởng kinh tế khu vực”, Bộ trưởng thương mại và Công nghiệp Singapore khẳng định.
Doanh nghiệp cần gì để tận dụng cơ hội thương mại điện tử?
Trong khuôn khổ năm ASEAN 2020 - Việt Nam là nước chủ nhà, tại Hội nghị Ủy ban điều phối Thương mại điện tử ASEAN lần thứ 16; và mới đây nhất, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trực tuyến đặc biệt về ứng phó với đại dịch Covid 19, các Bộ trưởng một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của vấn đề khi “kiên quyết phối hợp cùng nhau, cắt giảm, hạn chế các rào cản-bất cập tồn tại, tạo môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển”.
Hóa đơn điện tử giúp minh bạch hóa và giảm chi phí đáng kể so với hóa đơn giấy. (Ảnh minh họa: KT) |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN nhấn mạnh, trong chương trình hành động Hà Nội và tuyên bố của Bộ trưởng ASEAN+3, các nước ASEAN và đối tác đều đã thống nhất tiếp tục tập trung triển khai mạnh mẽ các biện pháp có thể phát triển thương mại điện tử, hạ tầng thương mại điện tử, giao thương thương mại điện tử đa biên giới.
“Những ứng dụng của công nghệ thông tin và thương mại điện tử sẽ dược các nước cùng nhau hỗ trợ phát triển, trong đó không chỉ là các thủ tục liên quan hành chính, liên quan đến chính phủ điện tử, mà cả các hoạt động để xúc tiên thương mại, giao thương thương mại thông qua môi trường điện tử”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
“Cam kết thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nhanh-mạnh hơn” cũng chính là tạo cơ hội-thuận lợi để phát triển kinh tế ASEAN. Quan trọng là làm thế nào để “cam kết” đạt hiệu quả thực tiễn?
Bà Hong-Xue, Viện trưởng viện Luật và chính sách Internet, đại học Bắc Kinh, Trung Quốc khuyến nghị: “Làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận được hạ tầng số, với chi phí rẻ và tốc độ nhanh để có thể kết nối với thị trường. Thứ 2 là làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các tổ chức tài chính số-công ty Fintech để họ có được vốn, giúp họ khởi nghiệp, kinh doanh. Thứ 3 là doanh nghiệp cần môi trường chính sách thuận lợi để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên môi trường quốc tế - môi trường kinh doanh xuyên biên giới, thương mại điện tử”.
Với Việt Nam, nửa đầu năm nay, dù đại dịch Covid-19 tác động đa chiều, ngành công nghiệp mới nổi - Thương mại điện tử vẫn đạt tốc độ tăng trưởng đáng nể, 25%.
Bên cạnh nhiều tiện ích thường thấy trong đời sống xã hội khi thực hiện các hoạt động mua, bán online; giao dịch-ký kết hợp đồng trực tuyến là những “hoạt động số” như học trực tuyến, thi trực tuyến, hội thảo, hội nghị xuyên không gian, thời gian, cùng rất nhiều tiện ích khác - khẳng định xu hướng của một ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm MISA, thành viên Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam, số hóa giúp tiết kiệm chi phí từ việc nhỏ nhất như hóa đơn.
“Với, hóa đơn công nghệ, doanh nghiệp chỉ cần 5 phút có thể sử dụng được ngay. Khách hàng mua có thể tra cứu hóa đơn mọi lúc, mọi nơi, giảm thủ tục hành chính, chi phí giấy mực, vận chuyển và đặc biệt là chi phí lưu trữ, gửi nhận hóa đơn. Chi phí phát hành 1 hóa đơn giấy là 500 đồng nhưng gửi-nhận mất 2.000 đồng. Quá trình vận chuyển còn có thể thất lạc, tốn nhiều thời gian. Hóa đơn điện tử loại bỏ được hoàn toàn điều đó”, ông Hoàng dẫn chứng.
Từ những giá trị đang dần hiện hữu, các chuyên gia có cơ sở để khẳng định tiềm năng nền kinh tế số Việt Nam nói riêng, tiềm năng số hóa kinh tế nội khối Đông Nam Á nói chung.
Điều đó cũng lý giải vì sao không chỉ Hiệp định Thương mại điện tử, mà về cơ bản, các cam kết liên quan đến lĩnh vực này đều hướng tới sự minh bạch trong hợp tác kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và logistics; hướng tới giáo dục, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ pháp lý; hướng tới thúc đẩy hệ thống ngân hàng thông minh - thanh toán, giao dịch thông minh; hướng tới kiểm soát dòng chảy ngân lượng và những cách thức sử dụng dữ liệu an toàn, hiệu quả…Các cam kết nhằm đóng góp tăng trưởng kinh tế từng quốc gia, tăng trưởng kinh tế toàn khu vực./.
Nguyên Long-Thu Trang/VOV.VN