Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ là cơ hội để Sơn La vươn ra thị trường lớn, thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra cánh cửa mới cho ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh miền núi Sơn La nói riêng. Đặc biệt khi trong những năm gần đây, tỉnh miền núi này đã xuất khẩu một lượng lớn nông sản sang các nước châu Âu.
Bên cạnh những cơ hội về mở rộng phát triển, EVFTA được xác định là thị trường rất khó tính, với những hàng rào kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế. Theo đó đòi hỏi ngành Nông nghiệp Sơn La phải có những bước tiến mạnh mẽ, nhanh chóng và bứt phá vượt bậc mới đủ sức để cạnh tranh.
Nhiều sản phẩm nông sản của Sơn La có cơ hội chinh phục thị trường EU. |
Anh Lò Văn Tưởng và anh Trần Như Kiên là hai Giám đốc hợp tác xã và hộ gia đình có sản phẩm xoài, nhãn xuất khẩu ở huyện Sông Mã, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La dù chưa hiểu sâu về hiệp định EVFTA nhưng tất cả đều chung tâm trạng phấn khởi và biết rằng, để các sản phẩm hoa quả của hợp tác xã xuất khẩu được sang thị trường khó tính này thì họ phải đổi mới công nghệ sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
“Hợp tác xã chúng tôi cũng được nghe nói chuyện về hiệp định này, anh em chúng tôi cũng chưa tìm hiểu sâu nhưng biết rằng để xuất khẩu được rau quả vào EU phải đảm bảo được chất lượng rất là khắt khe”, anh Tưởng nói. “Khi xuất khẩu được hoa quả giá trị và thương hiệu sản phẩm sẽ nâng lên và giá thành của mặt hàng nông sản sẽ đội lên”, anh Kiên cho biết.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, hiện nay nhóm nông sản của địa phương như trái cây, cà phê nhân, cà phê bột đang có lợi thế cạnh tranh ở thị trường châu Âu và nhiều năm nay đã được xuất khẩu sang thị trường này. Do vậy, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, tỉnh sẽ tận dụng lợi thế này để nâng cao giá trị gia tăng.
Thuận lợi ở chỗ, khi thực hiện hiệp định này Sơn La sẽ có thị trường rộng mở để tiêu thụ được lượng lớn sản phẩm; ứng dụng được khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; doanh nghiệp của tỉnh khi tham gia vào thị trường châu Âu cũng sẽ mở mang kinh nghiệm, học hỏi kinh nghiệm thực tế, nhất là trong giao dịch quốc tế và đặc biệt là khâu ký kết hợp đồng, tìm kiếm các thị trường mới.
Tuy nhiên ngành nông nghiệp Sơn La sẽ gặp một số khó khăn bởi khi thị trường càng rộng mở, cạnh tranh càng lớn sẽ có rất nhiều các sản phẩm của các nước khác cũng đều thâm nhập vào thị trường châu Âu. Việc nắm bắt thông tin của doanh nghiệp liên quan EVFTA còn hạn chế. Thị trường EU đòi hỏi khắt khe liên quan quy tắc xuất xứ, quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ:
“Sản phẩm nông nghiệp của Sơn La phải đẩy mạnh khâu sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường châu Âu, trong đó tập trung cho sản xuất sạch, áp dụng các tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGap. Cùng với đó, tỉnh phải đào tạo nhân lực cho hệ thống hợp tác xã và hệ thống doanh nghiệp, để có đủ điều kiện khi đàm phán các hợp đồng kinh tế, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp của châu Âu phải có năng lực trong cạnh tranh. Ngoài ra, thiết bị công nghệ của châu Âu tiên tiến đòi hỏi về năng lực tài chính để đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống này. Một khó khăn nữa của tỉnh Sơn La là hiện nay chưa hình thành được vùng sản xuất lớn, đáp ứng tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan của các nước châu Âu”, ông Công chia sẻ.
Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước với diện tích trên 70.000 ha. Hiện tỉnh đã có hơn 9.700 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, GlobalGAP. Thị trường xuất khẩu nông sản đã được mở rộng sang 15 nước như Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia, … với 16 loại sản phẩm.
Xoài Yên Châu là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sơn La. |
Ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng giám đốc Vina T&T (TP HCM) là doanh nghiệp đang hỗ trợ tỉnh Sơn La trong việc quảng bá, xuất khẩu sản phẩm nông sản ở thị trường nước ngoài như Australia, Mỹ cũng như các nước EU cho biết, vài năm trở lại đây, các sản phẩm hoa quả như nhãn, xoài của tỉnh Sơn La mà công ty xuất khẩu sang Mỹ đều được phản hồi rất tốt.
“Hiệp định EVFTA cùng với việc mở cửa của châu Âu sẽ giúp cho giao thương hàng hóa tốt lên. Người nông dân Sơn La hãy làm đúng tiêu chuẩn của sản phẩm sạch. Sản phẩm sạch khi xuất khẩu mới đánh giá được việc thực hiện và sự phát triển của huyện đó, tỉnh đó”, ông Mười khuyến nghị.
Với chủ trương xuất khẩu các sản phẩm nông sản, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 sẽ là cơ hội để Sơn La vươn ra thị trường lớn, thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để nông nghiệp Sơn La có bước đi mới khi gia nhập thị trường EVFTA là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực và quyết tâm của cả chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân./.
Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc
https://vov.vn/kinh-te/evfta-la-co-hoi-moi-cho-nong-san-son-la-vuon-xa-1076926.vov