Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp "họ" dầu khí có thể khởi sắc hơn khi mỏ Kèn Bầu được đưa vào khai thác.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa phát hiện mỏ dầu khí với trữ lượng lớn nhất trong lịch sử ngành dầu khí tại Lô 114 - Kèn Bầu, nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc, thuộc bể Sông Hồng.
Trong báo cáo vừa phát hành Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mỏ khí mới Kèn Bầu có thể trở thành siêu dự án dầu khí tiếp theo của Việt Nam với trữ lượng sơ bộ khoảng 230 tỷ m3 khí tự nhiên và 450 triệu thùng khí ngưng tụ và dự kiến khai thác từ năm 2028.
Với phát hiện mỏ dầu khí này, KBSV nhận định, loạt doanh nghiệp ngành dầu khí, nhất là trong lĩnh vực khai thác, kỹ thuật dầu khí sẽ được hưởng lợi, như Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), hay Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS) và Tổng công ty cổ phần Khoan dầu khí (PVD).
"GAS sẽ là đơn vị được hưởng lợi trực tiếp từ sản lượng gia tăng tại mỏ Kèn Bầu do vai trò độc tôn trong phân phối khí ở Việt Nam", báo cáo phân tích của KBSV nhận xét.
Trong khi đó, PVS và PVD được đánh giá là sẽ nhận được các hợp đồng xây dựng tổng thầu (EPC) hay khai thác từ dự án mới này. Dù vậy, KBSV cũng lưu ý, các doanh nghiệp này cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt trước các đối thủ sừng sỏ trong ngành dầu khí thế giới và có thể khiến "biên lợi nhuận sụt giảm trong thời gian đặc biệt".
Giếng khoan KB -2X tại Lô 114, nơi phát hiện mỏ khí có trữ lượng lớn nhất lịch sử ngành dầu khí Việt Nam. Ảnh: PVN
Thực tế, "sức khoẻ" tài chính của các doanh nghiệp này trong nửa đầu năm nay nhìn chung không mấy khả quan và cùng nằm trong "rổ" suy giảm chung do chịu tác động từ giá dầu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay sự bất định của dịch bệnh.
Báo cáo tài chính quý II của Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cho thấy, doanh nghiệp này cũng "chung số phận" sụt giảm doanh thu, lợi nhuận cùng ngành. Theo đó, doanh thu thuần đạt gần 15.630 tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp hơn 2.402 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với 2019.
Luỹ kế 6 tháng, GAS đạt hơn 32.720 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 4.063 tỷ. Chi phí lãi vay giảm đáng kể và hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi trong kỳ là lực đỡ chính trong nửa đầu năm.
Sau một năm tăng trưởng gần 20% doanh thu và hơn 40% lợi nhuận, kết thúc 3 tháng năm 2020, PVS ghi nhận doanh thu thuần 3.241 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận gộp gần 192 tỷ đồng.
Còn với PVD, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, doanh thu ghi nhận là 1.464 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ nhờ khoản góp đáng kể từ dịch vụ khoan, kỹ thuật dầu khí. Chi phí bán hàng, quản lý, chi phí lãi vay giảm... giúp PVD ghi nhận lợi nhuận ròng quý II khoảng 61 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của KBSV, mỏ Kèn Bầu có thể ảnh hưởng tới việc đầu tư khí hoá lỏng (LNG) và khiến thị trường dư cung. Hiện trong số 9 dự án đầu tư LNG tại Việt Nam thì GAS là chủ thầu 7 dự án. Tuy nhiên, việc các dự án mỏ khí khác như Cá voi xanh hay Lô B chậm đưa vào khai thác, theo KBSV, sẽ khiến rủi ro dư cung trong tầm kiểm soát.
Đánh giá chung về ngành dầu khí Việt Nam lúc này, KBSV đưa ra quan điểm trung lập do việc khai thác mỏ Kèn Bầu chưa chính thức bắt đầu cho đến năm 2028 và khó có khả năng vượt qua những yếu tố tiêu cực ngắn hạn của giá dầu cho những công ty khai thác thượng nguồn.
Anh Minh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/doanh-nghiep-dau-khi-nao-huong-loi-tu-mo-ken-bau-4139660.html