Sáng nay (6/8), tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (gọi tắt là Hiệp định EVFTA)”.
Cùng dự hội nghị có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; đại diện đại sứ quán một số nước tại Việt Nam; một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và doanh nghiệp.
Sau một thập kỷ nỗ lực không ngừng, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất ký kết Hiệp định EVFTA. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, từ đó khẳng định vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.
Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm…
Theo đó, để thực thi Hiệp định EVFTA, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan quyết định biện pháp chỉ đạo điều hành và các biện pháp khác để thực thi đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định.
Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ tập trung vào 5 nhóm công việc lớn gồm: tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường các nước châu Âu; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Mỗi nhóm công việc được xây dựng với nội dung, hành động cụ thể mang tính chiến lược nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại trong việc thực hiện một số hiệp định FTA trước đây.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những tác động tích cực, cũng như những khó khăn, thách thức khi triển khai Hiệp định EVFTA. Đặc biệt, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp để tận dụng hiệu quả những cam kết theo hiệp định.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, đem lại lợi ích cho cả hai phía Việt Nam và EU. Do vậy, để việc thực thi Hiệp định EVFTA đạt kết quả cao nhất, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, nâng cao hiệu quả truyền thông về EVFTA và các FTA khác.
Các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp; tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động liên kết với các doanh nghiệp khu vực EU. Các bộ, ngành trung ương và các địa phương cần tiếp tục chung tay cùng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả Hiệp định EVFTA…
Về phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: EU là thị trường khắt khe và có tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa và dịch vụ, vì thế, các doanh nghiệp phải tự nâng cấp chính mình để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho EU.
Đặc biệt, khi Hiệp định EVFTA đi vào đời sống, hàng hóa nội địa sẽ cạnh tranh lành mạnh với các sản phẩm từ EU. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời, cần tổ chức liên kết chuỗi một cách chặt chẽ để tạo ưu thế ngay trong thị trường nội địa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cùng nhau tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để phát triển, hướng tới sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới…
TRÍ DŨNG/baolangson