Đoàn Kết: Phát huy thế mạnh cây quế

Thứ 3, 11.08.2020 | 00:00:00
1,357 lượt xem

Những năm gần đây, người dân xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định đã tích cực mở rộng diện tích trồng quế, đưa cây trồng này thành một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn.

Nhận thấy cây quế có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, năm 2012, gia đình bà Nông Thị Thủy, thôn Quyết Thắng đã mạnh dạn mua cây giống tại tỉnh Yên Bái về trồng với diện tích ban đầu gần 3 ha. Bà Thủy cho biết: “Trong quá trình trồng và chăm sóc, thấy cây phát triển tốt nên đến nay, sau hơn 8 năm, gia đình tôi đã phát triển được trên 6 ha cây quế. Đầu năm 2020, gia đình tôi khai thác quế đợt 1 được gần 5 tấn vỏ quế tươi, tương đương khoảng 2,5 tấn khô, với giá bán 50 nghìn đồng/kg quế khô, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng chưa kể bán cành, lá quế”.

Không chỉ riêng gia đình bà Tuyết  có thu nhập cao từ cây quế, hiện nay, trên địa bàn xã có 10 hộ có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm từ cây quế và hơn 20 hộ có thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm, tiêu biểu như các hộ: ông Nông Văn Quân, thôn Thống Nhất; ông Nông Văn Hùng, thôn Nà Bắc; bà Nguyễn Thị Hằng Nga, thôn Nà Slản; Trần Văn Khánh, thôn Quyết Thắng…

Người dân xã Đoàn Kết chăm sóc cây quế

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: cây quế đã được người dân xã Đoàn Kết đưa vào trồng cách đây khoảng 30 đến 40 năm, đây là một trong những xã trồng quế đầu tiên ở huyện Tràng Định. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, cây quế chưa trở thành hàng hóa. Từ năm 2015, khi nhiều hộ đã có thu nhập cao từ cây quế, phong trào trồng quế mới phát triển mạnh. Hiện nay, toàn xã có 284 hộ thì hộ nào cũng trồng quế. Hiện tại, diện tích quế toàn xã là 775,9 ha.

Bà Hoàng Thị Bé, thôn Nặm Chẳng cho biết: So với các cây trồng khác như: keo, bạch đàn thì cây quế phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. Với hơn 6 ha quế, năm 2019, gia đình tôi tỉa bớt một số cây to, thu nhập 20 triệu đồng, dự kiến năm nay sẽ thu được trên 100 triệu đồng.

Xác định quế là cây trồng chủ lực, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: hỗ trợ vốn vay, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc quế… Cùng với đó, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho người dân vay vốn ưu đãi với Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế (trong đó có cây quế), đến nay, dư nợ đạt trên 8 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã Nông sản Tuấn Vũ thu mua toàn bộ  sản phẩm quế cho bà con với giá ổn định. Nếu như trước đây, nông dân trồng quế sau khi khai thác phải đợi tư thương đến mua hoặc bị ép giá thì từ khi có hợp tác xã đến nay, người dân đã yên tâm đầu tư phát triển cây quế.

Ông Hoàng Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng vỏ, cành, lá quế trên địa bàn xã bán ra thị trường đạt giá trị trên 3 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế từ cây quế đã và đang giúp nhiều người dân trên địa bàn xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 26,8% năm 2019, giảm trên 9% so với năm 2018.

KIM HUYÊN/baolangson

http://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/304523-doan-ket-phat-huy-the-manh-cay-que.html

  • Từ khóa