Theo thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng Nông – lâm – thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỉnh đã quy hoạch một số vùng sản xuất và xây dựng thành công 7 chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Toàn tỉnh có khoảng 100 sản phẩm nông sản, tuy nhiên, chỉ có từ 10 – 20% sản phẩm được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị.
HTX Nông sản sạch Tràng Định là một trong số ít những HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với siêu thị. Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết: Sản lượng gạo của HTX đạt khoảng 550 tấn/năm. Từ đầu năm 2020 đến nay, HTX đã tiêu thụ khoảng 30% sản lượng qua các siêu thị, doanh nghiệp. Từ khi liên kết tiêu thụ, chúng tôi không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm vì giá sản phẩm và sản lượng tiêu thụ rất ổn định. Hơn nữa, sản phẩm của HTX có cơ hội phát triển thị trường rộng hơn, được nhiều khách hàng biết đến.
Với các lợi ích như vậy, nhưng theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, chỉ khoảng 20 đơn vị trong hơn 170 HTX sản xuất nông sản đáp ứng đủ điều kiện để liên kết tiêu thụ với các siêu thị. Trong đó, chỉ có 3 đơn vị có sản phẩm tại các siêu thị.
Khách hàng tìm mua nông sản tại siêu thị Thành Đô
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân chính là do các HTX chưa thống nhất với giá thu mua nông sản mà các siêu thị đưa ra (chỉ cao hơn giá bán lẻ khoảng 1.000 đến 2.000 đồng). Trong khi đó cần quá nhiều giấy tờ, thủ tục rườm rà, chồng chéo như: chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; phiếu kiểm định chất lượng; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… Kéo theo đó là chi phí đầu tư hệ thống bảo quản, sơ chế… Vì vậy, lợi nhuận so với bán cho thương lái gần như tương đương. Bên cạnh đó, nhiều HTX có quy mô sản xuất manh mún, thiếu chuyên nghiệp, chưa dám tiếp cận với siêu thị để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, nông sản được tiêu thụ tại siêu thị theo hình thức ký gửi có mức chiết khấu khoảng 7 – 10%. Mặc dù đối với siêu thị, đây là mức chiết khấu để có lợi nhuận sau khi trừ các chi phí về nhân công, gian hàng… nhưng theo các HTX, con số này còn quá cao. Vì vậy, phần lớn các HTX vẫn chọn cách bán sản phẩm tại các chợ đầu mối, bán lẻ. Điều này dẫn đến tình trạng giá cả bấp bênh, lượng tiêu thụ không ổn định.
Được biết, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn như: siêu thị Thành Đô, siêu thị Vinmart… đã chủ động tìm đến các HTX sản xuất nông sản, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Ông Hứa Việt Trung, Quản lý siêu thị Thành Đô cho biết: Hầu hết HTX đều chưa đáp ứng được về sản lượng, mẫu mã bao bì và các thông tin sản phẩm như: tem truy xuất, mẫu mã, giấy tờ kiểm định chất lượng… Vì vậy, việc nhập hàng vào siêu thị là không thể.
Sản xuất nông sản an toàn tại HTX Rau củ quả sạch Gia Cát, huyện Cao Lộc
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất là do các HTX, hộ gia đình chưa mạnh dạn đầu tư, đưa ra chiến lược phù hợp trong phát triển sản xuất. Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tổ chức tập huấn, phổ biến cho hơn 60 HTX nắm được các chính sách khuyến khích của tỉnh đối với các HTX trong đẩy mạnh liên kết tiêu thụ. Dự kiến trong tháng 9, đơn vị tiếp tục mở các lớp tập huấn tiếp theo về nội dung này. Tuy nhiên, các HTX cần đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, chủ động tìm đến và tạo sự đồng thuận với các siêu thị trong cách thức liên kết tiêu thụ. Qua đó, mới có thể đặt nền móng để đưa sản phẩm nông sản lên kệ tại các siêu thị.
Để gỡ khó cho bài toán đưa nông sản vào siêu thị, thời gian qua, các cấp, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp các HTX đẩy mạnh sản xuất và liên kết tiêu thụ. Có thể kể đến như: Dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực Ban điều hành dự án, có trách nhiệm chủ trì triển khai nội dung của dự án; Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh ban hành về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025… Đồng thời, một số siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch mở các điểm chuyên tiêu thụ nông sản đặc sản. Qua đó, giúp tận dụng thế mạnh của các sản phẩm địa phương, đưa sản phẩm đặc trưng theo mùa vụ của các HTX vào tiêu thụ một cách linh hoạt. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chưa cao.
Trước thực tế trên, để đưa các nông sản của tỉnh vào siêu thị, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành. Qua đó, tạo điều kiện hơn nữa để các HTX dễ dàng hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục… đáp ứng các điều kiện cần thiết để có thể liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, siêu thị. Để làm được điều này, Liên minh HTX tỉnh cần đóng vai trò là đầu mối, định hướng, hướng dẫn các HTX trong khâu thực hiện. Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng và tin tưởng khi mua hàng tại các siêu thị, vì vậy, các HTX cần đổi mới tư duy, năng động hơn để có thể đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh đến với nhiều người tiêu dùng nhiều hơn.
GIA KHÁNH/baolangson