Tận dụng tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua, người dân xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đã chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả. Qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Từ năm 2013, người dân xã Yên Thịnh đã bắt đầu chuyển đổi từ trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao và ổn định như: na, bưởi, ổi… mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhận thấy đây là hướng đi có tiềm năng, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và sản xuất theo quy trình an toàn.
Từ đó, diện tích trồng cây ăn quả toàn xã không ngừng tăng lên. Đến nay, diện tích cây ăn quả của xã đạt trên 140 ha gồm những loại cây như: na, ổi, bưởi…, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 90 ha. Thu nhập từ trồng cây ăn quả, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 29,2 triệu đồng/người/năm, tăng 10,2 triệu đồng so với năm 2016.
Người dân xã Yên Thịnh dùng túi bọc na để phòng sâu bệnh
Điển hình như gia đình anh Mè Văn Hoan, thôn Gạo Ngoài, xã Yên Thịnh. Năm 2013, gia đình anh chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng na. Đến nay, gia đình anh Hoan đã trồng được 2.400 cây na, trong đó có 1.400 cây cho thu hoạch quả.
Anh Hoan cho biết: Gia đình tôi chú trọng ngay từ nguồn giống, luôn đảm bảo chất lượng. Trong quá trình trồng, chăm sóc tôi áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, quả na mắt to, đều, có vị ngọt mát. Vườn na của gia đình được thương lái đến đăng ký và thu mua tận vườn. Hai năm trở lại đây, thu nhập từ cây na của gia đình đạt trên 250 triệu đồng/năm.
Không chỉ gia đình anh Hoan, nhiều gia đình trong xã đã và đang vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả. Tiêu biểu như: gia đình ông Đồng Văn Ninh, thôn Chùa (trồng 2.000 cây na) thu nhập thu nhập gần 200 triệu/năm; ông Nguyễn Văn Yến, thôn Diễn (trồng 2.500 cây na) thu nhập trên 250 triệu đồng/năm; ông Đồng Văn Tước, thôn Chùa (trồng 2.300 cây na) thu nhập gần 250 triệu/năm…
Ngoài ra, để người dân biết cách trồng, chăm sóc cây ăn quả, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả. Từ năm 2019 đến nay, UBND xã đã phối hợp tổ chức 5 lớp hướng dẫn quy trình trồng na VietGAP, cách chăm sóc và nhân giống cây na… cho hơn 240 học viên tham gia. Cùng đó, UBND huyện đã hỗ trợ 34.460 kg phân bón cho người dân ở 3 thôn đặc biệt khó khăn trồng na theo chuẩn VietGAP từ nguồn vốn chương trình 135. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 43 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Hoàng Trung Tá, Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh cho biết: Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và hướng người dân thực hiện quy trình sản xuất cây ăn quả an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cùng với đó, phối hợp với các phòng chuyên môn mở các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây ăn quả để người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
TIỂU YẾN/baolangson
http://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/307263-yen-thinh-nang-cao-chat-luong-cay-an-qua.html