LSTV - Với khả năng phát triển mạnh, dễ chăm sóc, ít bệnh hại, giá bán cao, cây Sa nhân tím đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và mở ra triển vọng phát triển kinh tế bền vững cho người dân trên địa bàn xã Đào Viên, huyện Tràng Định.
Gia đình anh Nông Văn Thăng, thôn 1, xã Đào Viên trước đây có khoảng 2ha đất rừng; do không có nhân lực nên phần lớn diện tích đất bỏ hoang. Cách đây 4 năm nhận thấy quả của cây sa nhân tím được thu mua với giá cao anh đã quyết định mua giống về trồng. Vụ trước một phần diện tích đã có quả, bước đầu đã cho thu nhập gần 10 triệu đồng; dự kiến năm nay anh sẽ có nguồn thu khoảng 30 triệu đồng từ cây sa nhân tím.
Anh Nông Văn Thăng chia sẻ: Thấy cây sa nhân tím có hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi đã tổ chức trồng; quá trình trồng và chăm sóc cũng không khó khăn. Khi bán ra thị trường quả sa nhân tím cũng được thương lái mua rất thuận lợi.
Anh Nông Văn Thăng (trái) đang kiểm tra rừng sa nhân tím của gia đình
Được biết cây sa nhân tím được trồng trên địa bàn xã Đào Viên đã từ lâu nhưng 3 - 4 năm trở lại đây diện tích mới được mở rộng. Đây là giống cây dễ trồng, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Mỗi năm, cây cho thu hoạch một lần vào khoảng tháng 7, tháng 8. Quả sa nhân tím sau khi thu hoạch về được sấy khô hoặc bán quả tươi. Do giá thành cao, số lượng không nhiều nên các thương lái thường đến tận nơi thu mua; năm 2019 giá bán quả khô là 120 nghìn đồng/kg; quả tươi với giá 60 nghìn đồng/kg.
Anh Nông Minh Huấn thôn 1, xã Đào Viên chia sẻ: Gia đình tôi cũng đã tổ chức trồng cây sa nhân tím và thấy việc chăm sóc cũng rất dễ mình chỉ mất công chăm sóc vài năm đầu sau đó cây khép tán là không cần phải chăm sóc nữa. Mình thấy trồng cây sa nhân tím vừa hiệu quả kinh tế đồng thời cũng bảo vệ rừng nữa.
Hiện nay trên địa bàn xã Đào Viên có khoảng 50ha trồng cây sa nhân tím, tập trung tại 5/5 thôn của xã; qua đánh giá một năm mỗi hec-ta cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Chính vì vậy bà con Nhân dân trên địa bàn đã và đang tập trung mở rộng diện tích. Trong năm 2020 xã đã dành trên 200 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135 hỗ trợ 82 hộ nghèo giống sa nhân tím.
Ông Hướng Duy Tùng, Chủ tịch UBND xã Đào Viên cho biết: Cây sa nhân tím cho hiệu quả kinh tế cao và đang được bà con phát triển mạnh trên địa bàn. Trong thời gian tới ngoài triển khai hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc thì xã cũng áp dụng nguồn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 để hỗ trợ giống cây con cho bà con.
Mô hình trồng sa nhân tím đã phát huy hiệu quả kinh tế tại Đào Viên. Ngoài ra, cây sa nhân tím được trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi, xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ rừng trên địa bàn./.
Ninh Tuyên (Đài PTTH Lạng Sơn)