Cần tính toán đến “biến số" Covid-19 trong phát triển kinh tế giai đoạn tới

Thứ 5, 10.09.2020 | 10:21:00
347 lượt xem

Với “sức khỏe” hiện tại, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là có thể vượt qua tác động của Covid-19, song cũng cần tính toán đến “biến số” này trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, nguy cơ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch Covid-19. Vẫn có một số ý kiến dự báo khá lạc quan về khả năng tăng trưởng dương của kinh tế Việt Nam.

Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của đại dịch Covid-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cần phải phân tích rõ hơn ảnh hưởng của dịch bệnh và nguy cơ gây ra cuộc “khủng hoảng kép” y tế và kinh tế lớn nhất trong lịch sử phát triển của kinh tế từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Cần tính toán đến “biến số” Covid-19 trong định hướng phát triển kinh tế giai đoạn tới. (Ảnh minh họa)

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cần tính đến “biến số” Covid-19. “Bối cảnh mới với biến số Covid-19 khiến công tác dự báo chưa bao giờ khó khăn như hiện nay”, ông Phương nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới chắc chắn sẽ chậm hơn giai đoạn trước; thương mại và đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; nợ công toàn cầu tăng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19 có khả năng gây ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, không chỉ tác động đến năm 2020, mà có khả năng kéo dài đến những năm đầu của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021- 2025.

Các liên kết kinh tế khu vực và song phương tiếp tục được thúc đẩy, tuy nhiên liên kết kinh tế toàn cầu vẫn gặp khó khăn. Xu hướng đa cực, nhiều trung tâm của kinh tế thế giới ngày càng rõ với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các hiệp định thương mại đi liền với việc gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan, ông Trần Quốc Phương nhận định.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cũng tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường. Tiến bộ công nghệ có thể làm thay đổi bản chất của thương mại, đầu tư và lao động toàn cầu, tạo cơ hội cho các nước đi sau tăng tốc phát triển nhưng cũng có thể khiến cho các khâu sản xuất có thể chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển, làm hạn chế dòng dịch chuyển vốn toàn cầu...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ: Vì có quá nhiều yếu tố bất định, công tác dự báo hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫn chứng như việc dự báo tăng trưởng năm 2020, trong quá trình làm dự báo, khi giả định các kế hoạch, dự kiến mở cửa lại nền kinh tế của một số nền kinh tế trên thế giới, qua diễn biến của dịch Covid-19 đã cho thấy, có nhiều kế hoạch đã đổ vỡ, có nền kinh tế dự kiến mở cửa nhưng phải lùi thời điểm, có những nơi mở cửa rồi nhưng một thời gian ngắn phải đóng lại. Thực tế hiện nay, kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế có tiếng trên thế giới cũng khác nhau.

Trước những diễn biến đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá: Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế khiến tăng trưởng dự báo sẽ đạt thấp. Trong Kế hoạch 5 năm tới, nhiệm vụ đầu tiên là phục hồi kinh tế, mà phục hồi kinh tế trong điều kiện phải ổn định kinh tế vĩ mô. Để thực hiện song song điều này là rất khó, các cân đối lớn phải được tính toán rất nghệ thuật. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới phải tính toán làm sao tìm kiếm được nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực cho giai đoạn phục hồi kinh tế.

“Đại dịch Covid diễn biến rất phức tạp, lại khó dự báo, cho nên việc xây dựng kế hoạch phải chia làm nhiều kịch bản. Các kịch bản phải dựa theo dự báo về tốc độ sản xuất vắc xin. Chúng ta phải đưa ra dự liệu, tùy vào tình hình. Ví như kịch bản có vắc xin đầu năm 2021, thì như thế nào, đến giữa năm mới có, thì ra sao? Bối cảnh hiện nay đang có một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, do đó kịch bản tăng trưởng phải được xây dựng phù hợp và chi tiết”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ quan điểm.

Còn theo chia sẻ củaTS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM),trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng GDP năm nay âm hay dương cũng không quá quan trọng bằng việc định hướng phát triển để nền kinh tế hồi phục trong những năm sau.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

“Chính sách định hướng phát triển để phục hồi nền kinh tế cho những năm sau phải đồng bộ, bài bản, dài hạn, với hai định hướng. Một là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đi kèm với đó là miễn, giảm thuế.Hai là các chính sách hướng tới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Đây là hai nhiệm vụ không thể tách rời, song hoạt động điều hành hiện nay dường như mới nghiêng về vế thứ nhất”, TS. Cung chỉ rõ.

Theonguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, thay vì tiếp tục loay hoay với bài toán tăng trưởngthì nên tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như lạm phát, nợ công, tăng trưởng tín dụng,... những cân đối lớn của nền kinh tế để điều chỉnh lại các chỉ tiêu liên quan.

Trước khi đưa ra quyết định,cầnphải tính đến dư địa tài khóa còn bao nhiêu? Có thể huy động được bao nhiêu? Bao nhiêu từ nguồn trong nước và nước ngoài? Huy động như thế nào để không làm tăng lãi suất, huy động đến mức nào để người dân còn có tiền mua sắm, huy động đến mức nào để tín dụng chảy vào khu vực kinh tếđang “khát” vốn thật sự?, TS. Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến./.


Trần Ngọc/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/can-tinh-toan-den-bien-so-covid-19-trong-phat-trien-kinh-te-giai-doan-toi-777715.vov

  • Từ khóa