Tiềm năng lớn hợp tác về dệt may và thiết bị y tế giữa Việt Nam và Ấn Độ

Thứ 6, 11.09.2020 | 08:55:56
579 lượt xem

Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, hợp tác, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ với mặt hàng dệt may và thiết bị y tế vẫn đang có những tín hiệu khả quan.

Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, hợp tác, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ với mặt hàng dệt may và thiết bị y tế vẫn đang có những tín hiệu khả quan. Hai bên cần tận dụng cơ hội này để tăng cường hợp tác, kết hợp xây dựng chuỗi cung ứng tin cậy và quy mô lớn. Đây là nội dung của hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy quan hệ doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế” diễn ra chiều 10/9.
Hội thảo “Thúc đẩy Quan hệ Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế” thu hút sự tham gia, thảo luận của hơn 250 đại biểu doanh nghiệp, các hiệp hội của hai nước trong các lĩnh vực dệt may, thiết bị y tế và dược phẩm. Các dữ liệu cập nhật tại hội thảo cho thấy kim ngạch trao đổi song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ những tháng qua, đặc biệt với mặt hàng dệt may có những số liệu tích cực, dù thị trường đang có những suy giảm do đại dịch Covid-19 gây ra.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu

Trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi và nguyên phụ liệu cho công nghiệp dệt, may, da giày tăng mạnh khi nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc chịu ảnh hưởng vì dịch. Việt Nam đã nhập khoảng 200 triệu USD các mặt hàng này từ Ấn Độ. Trong đó, nhập khẩu bông tăng đột biến từ 3,8 triệu USD tháng 6 lên 13,7 triệu USD trong tháng 7. Trong khi đó, lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế cũng có rất nhiều tiềm năng hợp tác. Ấn Độ hiện đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và thứ 14 thế giới giá trị sản xuất dược phẩm. Quy mô của thị trường thiết bị y tế Ấn Độ hiện vào khoảng 5 tỷ USD và có thể đạt khoảng 11 tỷ USD vào năm 2022. Đây là những lĩnh vực tiềm năng tạo đột phá cho quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết: “Với ngành công nghiệp bông và sợi phát triển, có thể đáp ứng hầu hết nguyên liệu cho ngành dệt may, Ấn Độ có thể là nguồn cung cấp bông và sợi cho Việt Nam, giúp nâng sức cạnh tranh của VN trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Ấn Độ cũng là một thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam với quy mô lên tới 140 triệu USD. Trong lĩnh vực dược phẩm và trang thiết bị y tế, Ấn Độ có thể cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu dược với quy mô lớn cho Việt Nam. Chúng ta có thể trở thành những đối tác tốt và tin cậy”.

Hội thảo diễn ra bằng hình thức trực tuyến.

Bên cạnh việc đẩy mạnh giao lưu kinh tế, thương mại, với kinh nghiệm và năng lực về y học và dược phẩm của Ấn Độ, Việt Nam cũng hy vọng hai nước có thể trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển, sản xuất các loại vắc-xin phòng Covid-19. Hội thảo “Thúc đẩy Quan hệ Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và y tế” là sự kiện khởi đầu nằm trong chuỗi hoạt động có tên gọi “Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng nhiều đối tác khởi xướng. Sẽ có khoảng 10 sự kiện trực tuyến và trực tiếp được tổ chức trong thời gian tới nhằm giúp doanh nghiệp và doanh nhân Việt - Ấn trong nhiều lĩnh vực tiếp xúc và tìm ra cơ hội hợp tác, kết nối./.


Phan Tùng/VOV.VN

https://vov.vn/index.php/kinh-te/tiem-nang-lon-hop-tac-ve-det-may-va-thiet-bi-y-te-giua-viet-nam-va-an-do-777995.vov

  • Từ khóa