Thực hiện Đề án “Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng” của Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), đầu năm 2018, Agribank huyện Hữu Lũng là một trong những chi nhánh đầu tiên trên cả nước được lựa chọn triển khai thí điểm. Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân các xã vùng sâu, vùng xa thuận tiện hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn cũng như các dịch vụ khác của ngân hàng.
Với đặc thù địa bàn rộng, có 24 xã, thị trấn, trong đó có nhiều xã cách trung tâm huyện từ 30 đến 35 km, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng mạng lưới điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở các xã vùng sâu, vùng xa. Thay vì phải đến trực tiếp ngân hàng tại trung tâm huyện để giao dịch thì họ có thể tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng ngay tại trụ sở UBND xã nơi sinh sống.
Chị Hoàng Thị Lan, thôn Phổng, xã Vân Nham cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh cửa hàng may mặc nên thường xuyên phải vay vốn ngân hàng. Sinh sống tại địa bàn xã cách trung tâm huyện 16 km, trước đây, tôi phải lặn lội ra thị trấn để vay vốn, trả nợ, trả lãi, mỗi lần như vậy đều phải đợi rất lâu vì có nhiều khách hàng giao dịch. Từ đầu năm 2018, sau khi có điểm giao dịch lưu động về tận xã, tôi rất phấn khởi và hài lòng về mô hình này của Agribank, qua đó giúp tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí…”
Khách hàng thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch lưu động ở UBND xã Vân Nham
Điểm giao dịch lưu động được Agribank triển khai đảm bảo chất lượng dịch vụ tín dụng như giao dịch tại trụ sở ngân hàng. Theo đó, ô tô chuyên dùng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như: máy tính xách tay, máy in sổ, máy in chứng từ, mạng, hòm đựng hồ sơ, két sắt, hệ thống camera giám sát,… giống như một phòng giao dịch thu nhỏ.
Khi mới đi vào hoạt động, chi nhánh chỉ thực hiện 1 hoặc 2 phiên giao dịch/tháng thì đến nay đã triển khai giao dịch từ 10 đến 13 phiên/tháng tại 15 xã trên địa bàn huyện. Các điểm giao dịch đều được đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn; có quy định ngày, giờ cụ thể tại từng địa bàn để người dân nắm rõ. Bình quân trong một phiên giao dịch, ngân hàng phục vụ khoảng 200 khách hàng.
Sau 2 năm triển khai, điểm giao dịch lưu động Agribank Hữu Lũng đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen. Tính từ khi triển khai đến nay, Agribank Hữu Lũng đã tổ chức được trên 330 phiên giao dịch lưu động, phục vụ hơn 56 nghìn lượt khách hàng; giao dịch hơn 55 nghìn bút toán, trong đó, chủ yếu là giao dịch cho vay và thu nợ. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, điểm giao dịch lưu động của Agribank Hữu Lũng đã thực hiện giao dịch trên 41,5 tỷ đồng (trong đó cho vay và thu nợ được trên 26 tỷ đồng).
Ông Dư Chấn Hưng, Giám đốc Chi nhánh Agribank Hữu Lũng cho biết: Điểm giao dịch lưu động là một trong những giải pháp mang lại lợi ích “kép” cho cả ngân hàng và khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời tạo sự gắn kết giữa ngân hàng với người dân thông qua việc phục vụ tới tận thôn, bản, từ đó giúp Agribank ngày càng mở rộng mạng lưới.
Ông Trịnh Xuân Đoan, Giám đốc Agribank Lạng Sơn đánh giá: Sau thời gian thực hiện đến nay, có thể khẳng định, mô hình điểm giao dịch lưu động rất hiệu quả và phù hợp với địa bàn miền núi, dân cư rải rác như Lạng Sơn. Trong thời gian tới, nếu được sự cho phép của Agribank Việt Nam, chúng tôi sẽ mở các điểm giao dịch lưu động tại tất cả các huyện trên địa bàn toàn tỉnh.
KIM HUYÊN/baolangson