Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố bị thu hẹp để phục vụ xây dựng các công trình, dự án. Để nâng cao giá trị cây trồng và cải thiện thu nhập, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các giống cây cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Những ngày giữa tháng 9/2020, gia đình ông Chu Văn Khao, thôn Nà Pàn, xã Hoàng Đồng đang khẩn trương thu hoạch ổi lê Đài Loan để bán. Ông Khao cho biết: Trước đây, trên diện tích đất này, gia đình tôi chỉ cấy được một vụ lúa do thiếu nước, không đem lại hiệu quả kinh tế. Năm 2015, nhận thấy ổi là cây dễ trồng và phù hợp với thổ nhưỡng, thị trường lại thuận lợi nên tôi trồng khoảng 5 sào ổi. Hiện nay, 5 sào ổi của gia đình tôi đã được thu hoạch năm thứ 4, mỗi tháng cho thu hoạch 4 đợt quả, bình quân mỗi đợt từ 1 đến 1,5 tạ, giá bán hiện tại từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng.
Người dân xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn thu hoạch ổi
Không chỉ riêng gia đình ông Khao, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hoàng Đồng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Hoàng Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã ngày càng rõ nét. Với những diện tích đất canh tác không chủ động được nguồn nước hoặc sản xuất kém hiệu quả, người dân đã chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả, hoa đào… Hiện nay, xã có trên 16 ha cây ổi, cam; khoảng 37 ha cây hoa đào. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 9 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.
Diện tích gieo trồng cây hằng năm trên địa bàn thành phố đạt trên 2.000 ha, chủ yếu là lúa và ngô. Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu và cây ăn quả. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, người dân đã chuyển đổi gần 200 ha đất lúa và đất vườn, nương bãi kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu. Nhờ đó, hiện nay diện tích cây ăn quả của thành phố khoảng 300 ha, cây đào 80 ha; diện tích rau màu hàng năm đạt 550 ha, sản lượng 9.000 tấn… Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng được tập trung ở các xã: Hoàng Đồng, Quảng Lạc, Mai Pha và các phường: Chi Lăng, Tam Thanh, Đông Kinh.
Ông Phạm Công Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Hằng năm, phòng tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã tuyên truyền, khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng cây rau màu, cây có giá trị kinh tế có khả năng chịu hạn để tận dụng gieo trồng hết diện tích, góp phần tăng thu nhập cho các hộ. Từ đó, người dân chủ động chuyển đổi các giống cây mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hằng năm, phòng phối hợp với cơ quan chuyên môn mở được khoảng 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề… qua đó giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ngoài tham gia các lớp tập huấn, người dân vừa làm vừa trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên năng suất, chất lượng cây trồng ngày càng được nâng lên. Thu nhập của người dân tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Cụ thể như: từ trồng rau màu, cây ăn quả, hoa đào, nhiều hộ có thu nhập trung bình từ 60 đến 80 triệu đồng/năm; hộ nhiều thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa, ngô.
Có thể thấy, việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Theo số liệu của Chi cục Thống kê thành phố, giai đoạn 2015 – 2020, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 0,2%, trung bình giảm 0,098%/năm.
KIM HUYÊN/baolangson.vn