Trung Thành là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Tràng Định. Thời gian qua, xã đã phát huy nội lực và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Xã Trung Thành hiện có 289 hộ dân với 1.123 nhân khẩu, sinh sống ở 5 thôn, bản. Xã còn 2 thôn đặc biệt khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia.
Ông Ma Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Để giúp người dân phát triển kinh tế, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con khắc phục khó khăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển các cây trồng có giá trị cao như: thạch đen, đi-mi (mật gấu). Hiện nay, trung bình mỗi năm, xã duy trì trồng từ 30 – 35 ha thạch đen; từ 8 -10 ha cây đi-mi,.
Ông Nông Văn Bộ, thôn Bản Piểng cho biết: Từ năm 2002, gia đình tôi đã trồng cây đi-mi, trung bình mỗi năm trồng từ 3 đến 4 sào. Trước đây, có thời điểm cây bán được từ 70 đến 90 nghìn đồng/kg khô. Hai năm gần đây giá thấp hơn nhưng cây này vẫn có hiệu quả cao hơn so với lúa, ngô. Năm ngoái, gia đình tôi thu khoảng 30 triệu đồng từ cây đi-mi.
Người dân thôn Bản Piểng, xã Trung Thành thu hoạch cây đi-mi
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từ năm 2014 đến nay, từ nguồn vốn của chương trình 135, xã đã làm mới 1,4 km đường bê tông nông thôn tại 2 thôn đặc biệt khó khăn (Khuổi Kìn, Bản Sliền). Đồng thời, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo vật tư, phân bón để chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng. Cùng với đó, xã khuyến khích bà con phát triển trồng rừng. Hiện nay, tổng diện tích rừng trồng của xã gần 440 ha, gồm các loại: keo, quế, mỡ, bạch đàn…
Gia đình ông Lương Văn Nam, thôn Bản Piểng là một trong những hộ tiên phong trồng rừng của xã, trước đây gia đình ông là hộ nghèo, hiện đã thoát nghèo và trở thành hộ có thu nhập khá. Ông Nam chia sẻ: Năm 2003, tôi trồng hơn 20 ha rừng. Sau 5 năm được thu hoạch, trừ chi phí thu khoảng 900 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ rừng, tôi tích cực chăm sóc và trồng rừng mới. Hiện nay, tôi vừa trồng rừng, vừa trồng thạch đen, đi-mi… thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm.
Ngoài gia đình ông Nam, trong xã còn nhiều hộ nhờ phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. Tiêu biểu như: hộ bà Đinh Thị Thiệp; hộ ông Tô Ngọc Cẩn (Pác Pàu); hộ ông Ma Văn Hùng (thôn Hai); hộ ông Đàm Văn Hẹn (Khuổi Kìn); hộ ông Trần Văn Phúi (Bản Sliền)… Trung bình các hộ có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.
Ngoài khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trồng rừng… cấp ủy, chính quyền xã còn hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã mật ong Trung Thành (năm 2019). Hiện nay, hợp tác xã có 20 thành viên. Mỗi năm thu hoạch khoảng 200 lít mật. Từ khi có hợp tác xã, các thành viên có thị trường tiêu thụ mật ổn định hơn, giá bán cao hơn (bình quân 300 nghìn đồng/lít).
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của xã, người dân đã từng bước thay đổi tư duy, cách làm, từ đó từng bước nâng cao thu nhập. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tăng 19 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỉ lệ hộ nghèo của xã hiện còn gần 26%, giảm gần 29% so với năm 2015.
Vừa qua, từ nguồn vốn chương trình 135 và vốn đối ứng của người dân, xã đã hỗ trợ 26 con bò giống cho 26 hộ nghèo. Đồng thời, thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020, xã cũng đã cấp gần 37.000 cây sa nhân cho 67 hộ nghèo…, góp phần tạo sinh kế cho các hộ để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
“Thời gian tới, xã mong muốn được các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện tiếp tục quan tâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập” – ông Ma Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.
NGUYỄN PHƯƠNG/baolangson
http://baolangson.vn/kinh-te/312094-trung-thanh-no-luc-giam-ngheo.html