Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng, ngoài việc trồng và khai thác lâm sản, các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc đã quan tâm phát triển các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.
Công Sơn là xã vùng 3 của huyện Cao Lộc có nhiều sản phẩm đặc trưng như: chanh rừng, mật ong rừng, măng tre, nứa… Trước đây, các sản phẩm từ rừng chủ yếu được người dân khai thác để phục vụ nhu cầu hàng ngày. Từ năm 2010 đến nay, nhận thấy nhu cầu thị trường về các sản phẩm phụ từ rừng cao, bà con trong xã đã đưa các cây, con từ rừng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tiêu biểu nhất trong đó phải kể đến sản phẩm mật ong rừng.
Ông Hoàng Phúc Quang, thôn Nhọn Nặm, xã Công Sơn chia sẻ: Năm 2010, gia đình tôi quyết định nuôi ong lấy mật với số lượng đàn từ 20 đến 30 tổ/năm. Tuy là nuôi nhưng không phải nuôi như kiểu công nghiệp mà nuôi tự nhiên, ong hút mật từ các loại hoa rừng, do vậy, chất lượng mật tốt. Năm ngoái, tôi có 26 tổ ong, tổng thu hơn 200 chai mật. Với giá 250 nghìn đồng/chai, trừ chi phí, tôi được gần 50 triệu đồng.
Người dân thôn Bản Vàng, xã Cao Lâu thu hoạch nhựa thông
Không chỉ riêng gia đình ông Quang, hiện nay, toàn huyện có 3.750 tổ ong, chủ yếu nuôi tự nhiên, sản lượng mật được hơn 6,2 tấn/năm.
Cùng với mật ong, hiện nhựa thông đang là sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trên địa bàn huyện. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, năm 2019, sản lượng nhựa thông của huyện đạt 13.000 tấn với giá bình quân 28 đến 30 nghìn đồng/kg đem lại nguồn thu hơn 350 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Phục, thôn Bản Vàng, xã Cao Lâu phấn khởi: Từ năm 1997 gia đình tôi được nhà nước hỗ trợ trồng 5 ha thông theo dự án. Năm 2011, tôi bắt đầu được khai thác nhựa. Hiện nay, trung bình mỗi năm, tôi thu trên 5 tấn nhựa, trừ chi phí thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng. Cùng với khai thác, tôi tiếp tục trồng thêm thông, sở, hồi… để nâng cao thu nhập.
Hằng năm, để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nhất là phát triển các lâm sản phụ (ngoài gỗ) có hiệu quả kinh tế cao, chính quyền, cơ quan chức năng ở huyện đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp cho bà con.
Từ nguồn vốn của chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, và vốn ngân sách huyện (trung bình 200 triệu/năm) chính quyền huyện đã hỗ trợ người dân trồng và chăm sóc một số cây trồng chính như: thông, hồi, sở. Năm 2020, từ nguồn kinh phí trên 2,3 tỷ đồng hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn huyện đã trồng mới được gần 150 ha thông; 117 ha sở; chăm sóc 52 ha sở và 45 ha hồi hữu cơ (Cao Lâu, Xuất Lễ)….
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Trong 3 năm trở lại đây, thu nhập từ các lâm sản phụ đã góp phần tăng thu cho bà con. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, cải tạo vườn hồi, sở. Đồng thời, đưa quy trình hướng dẫn khai thác nhựa thông vào chương trình tập huấn cho các xã để đảm bảo hiệu quả trong quá trình khai thác nhưng vẫn giữ được độ bền cho cây; tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất dầu sở để nâng cao giá trị…
Hiệu quả từ khai thác, phát triển lâm sản ngoài gỗ trong những năm qua đã góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 10,54 %, giảm 17,3% so với năm 2015.
NGUYỄN PHƯƠNG/baolangson.vn
http://baolangson.vn/kinh-te/312547-cao-loc-hieu-qua-kinh-te-tu-lam-san-ngoai-go.html