Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Nguyễn Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Văn Lãng đã trình bày tham luận “Khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển thương mại, dịch vụ tại khu vực cửa khẩu, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện Văn Lãng”. Báo Lạng Sơn trân trọng trích đăng nội dung tham luận.
Huyện Văn Lãng có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 36 km, có 3 cửa khẩu phụ, bao gồm: Tân Thanh, Cốc Nam và Na Hình. Trong giai đoạn 2015 – 2020, được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, thế mạnh kinh tế cửa khẩu đã phát huy hiệu quả tích cực, cụ thể là:
Xe chở hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh (đường chuyên dụng vận tải hàng hoá Tân Thanh – Khả Phong). Ảnh: TRÍ DŨNG
Thứ nhất, về xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Văn Lãng đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành triển khai xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam và Na Hình; xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nối liền các cửa khẩu; phối hợp, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư vào khu vực cửa khẩu; tập trung hoàn thành 2 dự án trọng điểm, gồm: Đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng cửa khẩu Tân Thanh, đấu nối với khu Khả Phong, Pò Chài, Trung Quốc; Dự án Khu phi thuế quan (giai đoạn 1). Chủ động trong công tác đối ngoại, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa.
Từ những điều kiện thuận lợi về hạ tầng nêu trên, đã góp phần quan trọng nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nội huyện từ năm 2015 đến nay đạt 47,2 triệu USD, tăng 35,5 triệu USD so với giai đoạn 2010 – 2015; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn huyện, đạt gần 9,3 tỷ USD. Hoạt động thương mại, dịch vụ tại khu vực các cửa khẩu phát triển mạnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu, đem lại kết quả thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân khu vực biên giới.
Thứ hai, về bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn: Thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh; quốc phòng – an ninh gắn với phát triển kinh tế. Trong những năm qua, huyện Văn Lãng đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý các tình huống, giữ vững ổn định chính trị; huy động các lực lượng và quần chúng nhân dân bảo vệ biên giới, xử lý các vấn đề phát sinh trên biên giới; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.
Cùng với đó, quan tâm xây dựng lực lượng và thế trận trong khu vực phòng thủ huyện vững chắc; triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo Ba văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam -Trung Quốc; tổ chức hội đàm, gặp gỡ, trao đổi với địa phương, các lực lượng chức năng phía đối diện để tăng cường hữu nghị, hợp tác, quản lý, bảo vệ biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến biên giới, cửa khẩu; thực hiện tốt công tác chống buôn lậu; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển thương mại, dịch vụ tại khu vực cửa khẩu, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế cửa khẩu để phát triển thương mại, dịch vụ. Kết quả huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp, nhất là việc phối hợp huy động các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào dự án lớn (như là các khu chức năng, dự án Trục trung tâm…) còn hạn chế. Cửa khẩu Tân Thanh chưa trở thành vùng động lực trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và trung tâm phân phối, giới thiệu, trung chuyển hàng hóa kết nối giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Để tiếp tục phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của các cửa khẩu, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn trong những năm tới, huyện Văn Lãng đề xuất, kiến nghị với tỉnh chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp, như sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương về phát triển kinh tế cửa khẩu, quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng của các cửa khẩu hiện nay, nhất là đối với Cửa khẩu Tân Thanh; huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh theo mục tiêu, kế hoạch; đồng thời, thực hiện việc lồng ghép các chương trình, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để đầu tư cho phát triển cửa khẩu; có cơ chế để phát huy các nguồn lực từ đất đai tại các cửa khẩu, nhằm tạo nguồn vốn phục vụ cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, các chi phí dịch vụ phục vụ cho xuất, nhập khẩu; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và cơ quan quản lý các cấp gắn trách nhiệm của người đứng đầu để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, văn minh thương mại, tạo lợi thế cạnh tranh.
Thứ ba, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các dự án tại khu vực cửa khẩu; giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất; tạo điều kiện cho cư dân biên giới được trao đổi mua bán hàng hóa theo các cơ chế chính sách của Nhà nước để nâng cao đời sống của Nhân dân khu vực cửa khẩu, biên giới.
Tập trung phát triển các ngành dịch vụ, gắn với kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ thương mại, logistics, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng dịch vụ và cung ứng dịch vụ.
Thứ tư, chỉ đạo sớm tiến hành khảo sát, xây dựng phương án khả thi và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng khu vực Cửa khẩu Tân Thanh trở thành Khu Phi thuế quan và Trung tâm cung ứng hàng hóa chất lượng; là cầu nối cho sự giao lưu và hội nhập với thị trường quốc tế, đồng thời, trở thành Trung tâm du lịch mua sắm, du lịch tâm linh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của các cửa khẩu nhằm thu hút đầu tư.
Thứ năm, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, quan điểm về kết hợp phát triển kinh tế – xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; thực hiện tốt Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ tại khu vực các cửa khẩu, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nội huyện từ năm 2015 đến nay đạt 47,2 triệu USD, tăng 35,5 triệu USD so với giai đoạn 2010 – 2015; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn huyện, đạt gần 9,3 tỷ USD. Hoạt động thương mại, dịch vụ tại khu vực các cửa khẩu phát triển mạnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu, đem lại kết quả thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân khu vực biên giới. |
Baolangson.vn