Phòng vệ thương mại còn lộ nhiều điểm yếu trong thực thi các FTA

Thứ 6, 09.10.2020 | 15:02:25
561 lượt xem

Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại đối với nhiều mặt hàng.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước; Việt Nam lại đang thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới nên yêu cầu nâng cao năng lực PVTM một cách tổng thể, toàn diện nhằm bảo vệ hợp pháp, hợp lý sản xuất trong nước là yêu cầu ngày càng trở lên cấp thiết.

Tuy vậy, thời gian qua số lượng các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng. Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc PVTM đối với nhiều mặt hàng, gồm cả các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thủy sản (tôm, cá tra), sắt thép, nhôm, gỗ,…

Đứng trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện; cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc cũng như tư vấn một số vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp khi tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra.

Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. (Ảnh minh họa)

Nhờ đó, Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với khoảng 43% vụ việc, đảm bảo nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như cá basa, tôm tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp; khiếu kiện 5 vụ việc ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng, Bộ Công Thương cũng đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Tính đến nay, Việt Nam đã điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường. 

“Nhờ công cụ PVTM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Các biện pháp này cũng góp phần thực hiện các giải pháp liên quan tới xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương, trong đó, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty Phân bón DAP-Vinachem (Đình Vũ - Hải Phòng), Công ty Thép Việt Trung, Công ty Thép Việt Ý, Công ty Thép Pomina…”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Tăng khả năng chủ động và thích ứng

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua nhưng công tác PVTM của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập mới của Việt Nam. Cụ thể như năng lực PVTM của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp chưa được nâng cao; hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các vụ việc PVTM nước ngoài còn bất cập; nguồn nhân lực thực hiện công tác PVTM chưa tương xứng với sự gia tăng về số lượng và độ phức tạp của các vụ việc khởi kiện và kháng kiện PVTM…

Để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM trong thời gian tới, theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), nhà nước cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

“Bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến”, ông Dũng lưu ý.

Để tránh PVTM, các DN cần chú trọng phát triển sản phẩm theo chiều sâu, tăng giá trị gia tăng. (Ảnh minh họa)

Theo đại diện Ban chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, để khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, năng lực PVTM.

“Cần nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế đồng thời đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực cho công tác PVTM, kể cả rà soát, tổng kết, đề xuất định hướng kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Cơ quan PVTM để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác PVTM”, vị này nói.

Phía Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc PVTM giữa các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội. Hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và thực tiễn xử lý PVTM của Việt Nam và thế giới cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là các DNNVV. Đồng thời, Bộ, ngành cần xây dựng chiến lược chủ động sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ hợp lý và hợp pháp ngành sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/phong-ve-thuong-mai-con-lo-nhieu-diem-yeu-trong-thuc-thi-cac-fta-784592.vov

  • Từ khóa