Sau 5 năm xác định khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Ngãi đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ về phát triển kinh tế biển.
Trong chiến lược phát triển của địa phương, tỉnh Quảng Ngãi xác định khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó việc đánh bắt hải sản theo hướng hiện đại hóa, bền vững gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2015, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết 01 xác định 4 trụ cột trong phát triển kinh tế biển, đảo, gồm: Xây dựng, phát triển Khu Kinh tế Dung Quất và các khu đô thị ven biển; Phát triển mạnh nuôi trồng, chế biến sản phẩm từ biển; Khai thác tài nguyên biển, vận tải biển, dịch vụ biển, cảng biển; Phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo mạnh về kinh tế du lịch và thủy sản... Sau 5 năm nhìn lại, tỉnh Quảng Ngãi đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ về phát triển kinh tế biển.
Mùa biển động, các chủ tàu cá tranh thủ đưa phương tiện lên triền đà để sửa chữa sau một năm hoạt động. Cũng vì thời tiết ngày càng cực đoan, nguy cơ rủi ro cao nên ngư dân ngại ra khơi. Thế nhưng, nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn tìm cách làm giàu từ biển. Người dân làng chài Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bám biển quanh năm.
Mùa biển động, các chủ tàu cá tranh thủ đưa phương tiện lên triền đà để sửa chữa sau một năm hoạt động.
Ngư dân Nguyễn Văn Tám chia sẻ, bất kể mùa nào, hễ trời yên, biển lặng là ra khơi đánh bắt hải sản. Thời tiết thuận lợi thì bám biển dài ngày, còn khi có bão thì điều tàu về bờ hoặc tránh hướng di chuyển của bão. Còn ngư dân Lê Nô, chủ tàu cá QNg– 92602TS, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cũng mạnh dạn đầu tư tàu to máy lớn để vươn khơi.
"Đóng tàu lớn thì giờ tôi dễ vươn khơi hơn ghe nhỏ trước nên làm ăn cũng rất đạt. Nếu không có tàu Nghị định 67 thì không dám vươn khơi. Nói chung giờ có tàu lớn thì mình vươn khơi được, nhờ ghe to thuyền lớn làm ăn được, bạn bè kiếm ăn được" - ngư dân Nguyễn Văn Tám cho biết.
Những năm qua, Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020” đã tạo thuận lợi cho các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn khai thác ở vùng biển xa... Tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng 3 khu neo đậu tránh trú bão, 3 công trình hạ tầng nuôi trồng thủy sản, 16 nhà máy chế biến thủy sản và 24 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Bên cạnh kết cấu hạ tầng khu vực ven biển từng bước được hoàn thiện, điểm nhấn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 01 của tỉnh Quảng Ngãi là phát triển là du lịch biển, đảo. Ngành "công nghiệp không khói” này đã đóng góp vào ngân sách địa phương mỗi năm cả ngàn tỷ đồng.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, dọc bờ biển trên địa bàn tỉnh có 3 vùng quy hoạch lớn, gồm: Khu Kinh tế Dung Quất chủ yếu phát triển cụm cảng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ; Khu vực TP.Quảng Ngãi tập trung phát triển đô thị, du lịch; Khu phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Hiện nay tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đây là tỉnh giao cho chúng tôi là 23,1%, chúng tôi đã đạt được 24,2% rồi, có là đến khi kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết thì chúng tôi vượt hơn Nghị quyết. Ở đây nhờ sự phát triển của khu công nghiệp Viship, nhờ sự phát triển của Hòa Phát, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tạo lên tác động có nguồn lực, người dân tập trung, công nhân tập trung nhưng mà lương cao thì tập trung về đây để phát triển đô thị ven biển này.
Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác định, xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo mạnh về kinh tế du lịch và thủy sản. Trong đó, xác định lợi thế của địa phương là: Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, gắn với bảo tồn biển đảo. Thực hiện mục tiêu này, kết cấu hạ tầng huyện đảo Lý Sơn đã ngày càng hoàn thiện.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn nói rằng, huyện đảo Lý Sơn thực hiện khá tốt việc bảo tồn biển gắn với tạo sinh kế cho người dân trong vùng. "Khi quy hoạch bảo tồn biển ở Lý Sơn thì mang lại lợi ích rất nhiều. Vì Lý Sơn ngoài các di tích, danh lam thắng cảnh thì văn hóa biển đối với Lý Sơn cũng rất chi là quan trọng. Khi bảo tồn được cái này thì nó có nhu cầu rất lớn với du khách. Rõ ràng khi được san hô được bảo tồn thì điều kiện để người dân khi có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề thì họ thực hiện được".
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, đảo đã từng bước đầu tư nâng cấp, mở rộng đồng bộ, hiện đại theo hướng gắn phát triển công nghiệp với chuỗi đô thị, dịch vụ - du lịch; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; quốc phòng an ninh trên biển được tăng cường; đời sống nhân dân vùng biển, đảo được cải thiện đáng kể... góp phần tạo động lực phát triển kinh tế biển, đảo nói riêng; kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung.
Ông Đặng Văn Minh khẳng định: "Nhìn tổng thể thì phải nói rằng là kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ngãi trong nhiệm kỳ vừa qua đã có đóng góp rất lớn vào ngân sách và tạo điều kiện công ăn việc làm cũng như giải quyết thu nhập cho người dân. Đặc biệt là người dân vươn khơi bám biển. Cơ sở hạ tầng nghề cá để phục vụ cho chế biến sâu. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho bà con và tạo doanh thu cho tỉnh Quảng Ngãi ngày càng lớn hơn".
Đến nay, kinh tế biển tỉnh Quảng Ngãi từng bước hiện đại hóa. Tuy vậy, quy mô kinh tế biển của địa phương còn nhỏ; phát triển thủy sản chủ yếu dựa vào đánh bắt, chưa gắn với bảo tồn, phát triển; nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ, manh mún; ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường của cộng đồng dân cư còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, sự phát triển công nghiệp ven biển đã ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân…
Bà Bùi thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển thủy sản toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến. "Chúng tôi có 130km bờ biển mà hầu hết đều còn hoang sơ chưa được khai thác. Cho nên chúng tôi sẽ phát triển du lịch biển để tạo sự liên kết với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cũng rất là cần thiết. Vùng đồng bằng ven biển chưa tạo động lực, đang thiếu những hạ tầng có tính chất kết nối như là “xương cá” giữa các đơn vị. Trong Quy hoạch Tĩnh lần tới chúng tôi xác định mở rộng khan gian này lên", bà Vân nói.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi Ngãi xác định tiếp tục cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để khai thác xa bờ; Cơ cấu lại tàu thuyền, ngành nghề phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, môi trường tự nhiên, nguồn lợi thủy sản; Nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt; Đẩy mạnh phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; Củng cố, phát triển các mô hình hợp tác trong đánh bắt hải sản. Khuyến khích nuôi trồng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao… Mục tiêu hướng đến là phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao./.
Thanh Hà/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/kinh-te/quang-ngai-tao-buoc-chuyen-manh-me-ve-phat-trien-kinh-te-bien-787587.vov