Xuất khẩu vào thị trường Đức: Chọn kênh nào cho hàng Việt trụ vững?

Thứ 5, 22.10.2020 | 08:25:01
461 lượt xem

Để hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường tiềm năng, các doanh nghiệp cần tìm kênh phù hợp để đưa sản phẩm vào chuỗi các siêu thị, nhà hàng, khách sạn…

Thời gian gần đây, hoạt động thương mại Việt Nam - Đức trở nên sôi động hơn nhờ sự năng động của doanh nghiệp (DN) hai nước, nhằm tận dụng những cơ hội kinh doanh và đầu tư thấy rõ từ Hiệp định EVFTA đối với nhiều nhóm mặt hàng, trong đó nông, lâm, thủy sản có lợi thế khi được cắt giảm nhanh đối với hầu hết các dòng thuế.

Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, nhờ đòn bẩy từ EVFTA, các DN Việt Nam đang ngày càng quan tâm đầu tư nghiêm túc, bài bản trong kinh doanh với các đối tác từ Đức. DN Việt Nam cũng đã nhận diện và nỗ lực đáp ứng được những yêu cầu từ nhỏ tới lớn của thị trường Đức, kiến tạo những nền tảng vững chắc cho những bước tiến hợp tác thương mại vì lợi ích thiết thực của đôi bên trong tương lai.

Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Đức nhận xét, Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm phong phú, tiềm năng, trong khi người tiêu dùng Đức có nhu cầu về những mặt hàng này. “Tuy nhiên, để hàng Việt Nam đứng vững tại thị trường Đức, trước hết sản phẩm phải tốt, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, để phát triển thị phần tại thị trường tiềm năng này, DN Việt Nam cần tìm các kênh để đưa sản phẩm vào chuỗi các siêu thị, nhà hàng, khách sạn…”, ông Long đưa ra kinh nghiệm.

Các DN Việt Nam đang ngày càng quan tâm đầu tư nghiêm túc, bài bản trong kinh doanh với các đối tác từ Đức.

Theo ông Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức, khi làm việc với các DN Đức, họ đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam. Những DN Đức đã làm ăn với Việt Nam bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, kinh doanh với Việt Nam.

Các DN Đức chưa làm ăn với Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn có cơ hội hợp tác với DN Việt. “Các DN Việt Nam có thể xem cộng đồng gần 200.000 người Việt tại Đức là một kênh để kết nối sản phẩm, hàng hóa của mình vào thị trường tiềm năng này”, ông Vũ khuyến cáo.

Cùng quan điểm với ông Vũ, ông Phạm Trường Giang, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (Đức) cũng phân tích, chính phủ hai nước Việt Nam và Đức đều quan tâm phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Trong khi đó, các bang lớn của Đức cũng có mối quan hệ tốt với nhiều địa phương của Việt Nam. Đặc biệt, từ khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (IPA) có hiệu lực, Đức đã rất quan tâm, nỗ lực đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam.

“Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Đức, hai nước cần nhanh chóng đưa vào hoạt động các Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt – Đức, bởi đây sẽ là nền tảng để phát triển hợp tác giữa những bang của Đức với các địa phương của Việt Nam”, ông Giang đưa ra gợi ý.

Có thị trường nhưng cần vận dụng tốt các cơ chế hợp tác

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây khó khăn cho các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, ông Phạm Trường Giang cho rằng, hai bên cũng cần tìm ra cách hợp lý để có những triển lãm trưng bày, giới thiệu hàng hóa của doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống các kho bãi ở Đức để tập kết hàng hóa của Việt Nam, làm cơ sở cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Đức và sang các nước châu Âu khác.

Đánh giá về tiềm năng cũng như cơ hội to lớn từ Hiệp định EVFTA mang lại cho các DN hai nước, ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng, các DN hai nước đang đứng trước những cơ hội rất to lớn của Hiệp định EVFTA và EVIPA.

“Các hiệp định này đã trở thành nội hàm quan trọng, đưa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất. Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai nước triển khai kết nối, vận dụng các cơ chế hợp tác để đẩy mạnh quan hệ thương mại trong các lĩnh vực các bên cùng quan tâm”, ông Bùi Vương Anh khẳng định.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã cho thấy những tác động tích cực và khởi đầu tới nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Đức (hai quốc gia thành viên của EVFTA).

Cũng theo ông Phú, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam không chỉ ở Liên minh châu Âu (EU) mà còn ở cả châu Âu. Đây là thị trường chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

“Những sản phẩm của Việt Nam phù hợp với nhu cầu tiêu thụ cao của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng tại Đức nói riêng và EU nói chung. Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt - Đức sẽ là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, phối hợp với các cơ quan, hội ngành hai bên tạo ra “sân chơi” cho các DN hai nước. Hai bên sẽ quy tập và cung cấp cho DN hai bên những thông tin, dữ liệu về tiềm năng, nhu cầu thương mại, đầu tư. Đồng thời, xúc tiến xây dựng một nhóm để hỗ trợ DN hai bên giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện EVFTA và IPA”, ông Phú chỉ rõ./.


Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-vao-thi-truong-duc-chon-kenh-nao-cho-hang-viet-tru-vung-787809.vov

  • Từ khóa