Xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế

Chủ nhật, 25.10.2020 | 09:12:50
675 lượt xem

Tỉnh Cao Bằng đang tập trung huy động nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng. Qua đó, từng bước đưa kinh tế biên mậu trở thành động lực phát triển của địa phương.

Cao Bằng có nhiều lợi thế trong phát triển thương mại và dịch vụ, nhất là kinh tế biên mậu khi có 333km đường biên giới với Trung Quốc. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là bất lợi lớn nhất để phát huy thế mạnh này.

5 năm qua, Cao Bằng đã tập trung đầu tư, thực hiện triển khai các dự án trọng điểm về giao thông, đặc biệt là các tuyến đường tỉnh kết nối với các cửa khẩu trên địa bàn. Việc hoàn thành nâng cấp tỉnh lộ 208, 207, 216… đã phát huy hiệu quả rõ nét, trước mắt cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như du lịch trên địa bàn.

Một trong những nội dung đột phá và trọng tâm nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tỉnh Cao Bằng là Phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Cao Bằng trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế

Được coi là thành công nhất trong nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông, mới đây tỉnh Cao Bằng đã chính thức động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Khi tuyến cao tốc này hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đi Hà Nội sẽ rút ngắn một nửa thời gian. Dự án được kỳ vọng tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) và sang các nước châu Âu. 

“Tuyến đường này là tuyến đường huyết mạch, xương sống cho phát triển kinh tế của khu vực cũng như của Cao Bằng. Khi có tuyến đường này không chỉ tạo ra phát triển kinh tế chung mà còn giúp Cao Bằng tạo ra sự khác biệt, vươn lên, đổi mới và đời sống của bà con các dân tộc sẽ được nâng cao", ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nói.

Ông Lã Hoài Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cao Bằng cho biết thêm: “Hiện nay bên phía bạn Trung Quốc, các tuyến đường bộ cao tốc của phía bạn đã tiếp giáp đến các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng, do đó, tuyến cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh còn mang tính đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế cửa khẩu cũng như đối ngoại đối với tỉnh Cao Bằng”.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 175% so với giai đoạn 2011 - 2015. Nội dung đột phá và trọng tâm nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tỉnh Cao Bằng là phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế. Để làm được điều này, Cao Bằng sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng đồng bộ, hiện đại, tập trung vào Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, Tà Lùng; phát triển dịch vụ hậu cần, logistic; tổ chức sắp xếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu; áp dụng các biện pháp giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa…

Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh đã thu hút 17 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng xây dựng kho ngoại quan, bãi tập kết hàng hóa, kho đông lạnh…

Cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) cùng với Long Bang (Trung Quốc) đang được quy hoạch thành điểm kết nối giao thương giữa ASEAN với Việt Nam và Trung Quốc. Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh đã thu hút 17 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng xây dựng Kho ngoại quan, bãi tập kết hàng hóa, kho đông lạnh… Một số dự án đã đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho giao nhận, lưu giữ hàng hóa, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động theo mùa vụ với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

“Với mức thu nhập này, so với người dân lao động nông nghiệp thuần túy trên địa bàn huyện thì cũng là mức thu nhập cao. Các hộ dân sống xung quanh khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh cũng mở thêm các dịch vụ ăn uống, kinh doanh hàng hóa; người nông dân có cơ hội hơn trong việc sử dụng các nguồn giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao… để phát triển nông nghiệp”, ông Trịnh Trường Huy, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết.

Tuy nhiên, để kinh tế cửa khẩu tăng tốc, ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.

“Cao Bằng phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài việc xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu giao thương; kết nối với phía bạn Trung Quốc về những chính sách tạo điều kiện cho hàng hóa qua biên giới; đồng thời cũng đề xuất với Chính phủ cho khơi thông tuyến vận tải quốc tế theo hướng đường cao tốc mà chúng tôi đang xây dựng, đề xuất xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới (Trà Lĩnh- Long Bang). Khi xây dựng được tất cả điểm này, thì chắc chắn hoạt động xuất nhập khẩu của Cao Bằng sẽ rất thuận lợi”, ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: Với 333 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, nhiều cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, các cặp chợ, lối mở khu vực biên giới… đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để Cao Bằng phát triển kinh tế cửa khẩu. Vì vậy trong thời gian tới, kinh tế cửa khẩu sẽ là lĩnh vực tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế.

Song song với chương trình xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Cao Bằng đang tích cực đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu theo hướng thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá và khác biệt nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đưa Cao Bằng thực sự trở thành Trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế./.


Duy Thái/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/xay-dung-cao-bang-tro-thanh-trung-tam-trung-chuyen-hang-hoa-di-quoc-te-812485.vov

  • Từ khóa