Chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2020 đạt và vượt nhiều mục tiêu

Thứ 2, 26.10.2020 | 14:44:14
553 lượt xem

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Nhìn lại kết quả xuất nhập khẩu theo mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 cho thấy: Tăng trưởng xuất khẩu vượt mức kế hoạch đề ra; Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực; Cán cân thương mại đạt thặng dư trong cả giai đoạn với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước, đặc biệt, đã xuất siêu 5 năm liên tục trong giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, xuất khẩu của nước ta vẫn đạt được mức tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của năm 2020 đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT)

Số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT)

Nhập khẩu được kiểm soát, tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu có tốc độ tăng trung bình trong giai đoạn 2015-2019 ở mức 11,2%/năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (13%), đạt mục tiêu Chiến lược đề ra.

Cán cân thương mại đạt thặng dư trong cả giai đoạn với mức xuất siêu năm sau tăng cao hơn năm trước. Chiến lược đã xác định mục tiêu giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020. Trên thực tế, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm, lần lượt là 1,77 tỷ USD (năm 2016), 2,11 tỷ USD (năm 2017), 6,83 tỷ USD (năm 2018), 10,87 tỷ USD (năm 2019). Riêng 9 tháng năm nay, xuất siêu đạt 16,5 tỷ USD.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 9 tháng đầu năm 2020 chiếm tới 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng so với mức 78,9% của năm 2015; nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Năm 2019 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người cũng đã sớm đạt được. Cụ thể, giá trị xuất khẩu bình quân đầu người năm 2019 đạt khoảng 2.740 USD/người, bằng 2,5 lần so với năm 2011. Mục tiêu giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt trên 2000 USD theo Chiến lược đề ra đã đạt được từ năm 2017.

Có được các kết quả đó, cùng với những nỗ lực trong việc xây dựng và ban hành khung khổ pháp lý trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đầy đủ, đồng thời minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi hóa thương mại phải kể đến vai trò của công tác phát triển thị trường đạt nhiều kết quả.

Cụ thể, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực. Các FTA mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường đối tác quan trọng, là cơ hội kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả. Xuất khẩu sang các thị trường có FTA tăng cao trong nhiều năm.

Các thị trường mới trong các nước đối tác thuộc Hiệp định CPTPP đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả cam kết CPTPP. Xuất khẩu sang Canada năm 2019 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2018, sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26,2%. Tính hết 9 tháng năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu sang Canada vẫn tăng 10,2% so với cùng kỳ (đạt 3,1 tỷ USD) và sang Mexico tăng 7,9% (đạt 2,34 tỷ USD).

Đối với Hiệp định EVFTA, việc triển khai tận dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực cũng có kết quả tích cực. Trong vòng hai tháng kể từ ngày 1/8/2020 đến 30/9/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 20.680 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 830 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Đây đều là các mặt hàng xuất khẩu mà ta có lợi thế, thể hiện kết quả tận dụng khả quan ngay từ những ngày đầu Hiệp định được đưa vào thực thi.

Một điểm đáng ghi nhận đó là kể từ năm 2019, xuất khẩu doanh nghiệp trong nước đã tăng mạnh, trong khi khu vực FDI tăng chậm hoặc giảm, nên tỷ trọng giá trị xuất khẩu khu vực FDI đã giảm dần.

Trong 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,1 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, còn chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước năm 2019 đạt 82,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. 9 tháng năm 2020, xuất khẩu của khu vực này tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.

Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tích cực trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không chủ yếu phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ quan tâm và chú trọng hơn trong việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, đưa doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị cho doanh nghiệp FDI tạo ra. Theo đó, sẽ tập trung vào một số hướng giải pháp, như: hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI sở hữu các dây chuyền, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị cao đến đầu tư ở Việt Nam; chú trọng phát huy tác động lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với sản xuất trong nước.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp FDI lớn liên doanh, liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các nhà cung cấp trong nước; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại cho doanh nghiệp trong nước thông qua các dự án liên doanh, liên kết trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống các trường đại học, cao đẳng trực thuộc đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế./.


Nguyên Long/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/chien-luoc-xuat-nhap-khau-giai-doan-2011-2020-dat-va-vuot-nhieu-muc-tieu-812662.vov

  • Từ khóa