Hữu Lũng: Khó khăn trong quản lý các công trình cấp nước nông thôn

Thứ 3, 27.10.2020 | 10:33:28
681 lượt xem

Trong những năm qua, từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình 134, nhiều công trình cấp nước đã được xây dựng trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, các công trình chưa phát huy hiệu quả.

Năm 2008, công trình cấp nước sinh hoạt xã Yên Vượng hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng, có khả năng cấp nước cho hơn 500 hộ dân. Thế nhưng, sau khi hoạt động được 3 tháng, công trình đã “đắp chiếu”.

Ông Đào Đoàn Khiếm, thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng cho biết: Sau ít tháng sử dụng, công trình không còn hoạt động, hệ thống đường ống hư hỏng, cỏ mọc um tùm quanh các bể chứa. Thực trạng đó buộc chúng tôi phải bỏ tiền khoan giếng để tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

Bể chứa nước tại thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng đã bỏ hoang hơn 10 năm qua

Tương tự, công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Thành xây dựng từ năm 2015 với vốn đầu tư 2 tỷ đồng hiện chỉ hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Theo thiết kế, công trình cung cấp nước cho gần 200 hộ thuộc 3 thôn: Tân Phú, Cây Sấu, Làng Cống. Tuy nhiên, thực tế hơn 4 năm qua, công trình chỉ phục vụ cho 40 hộ thuộc thôn Cây Sấu.

Hiện nay, toàn huyện Hữu Lũng có 21 công trình cấp nước, trong đó có tới 5 công trình đã ngừng hoạt động, 4 công trình xuống cấp nghiêm trọng, khó có thể tái sử dụng, còn lại là các công trình hoạt động hiệu quả mức độ trung bình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trình trạng các công trình cấp nước kém hiệu quả. Trước hết, xuất phát từ khâu khảo sát, thiết kế nên chất lượng một số công trình không đảm bảo, ngay sau khi vận hành, công trình không đủ năng lực cấp nước theo thiết kế ban đầu. Ông Lý Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Yên Vượng cho biết: Khi đi vào vận hành, công trình chỉ cung cấp nước cho những thôn gần bể đầu nguồn, còn những thôn nằm ở xa hầu như nước ít về tới. Hệ thống máy bơm từ bể chứa chính và đường ống dẫn về các bể chứa không đáp ứng  được so với thiết kế. Cũng trong thời gian này, UBND huyện xây dựng đường giao thông Gốc Me – Yên Thịnh nên phải di dời một phần hệ thống đường ống dẫn nước công trình cấp nước. Sau khi nhà thầu đào đường, tháo dỡ, việc lắp đặt lại đường ống đã không còn đúng với thiết kế ban đầu.

Song song với đó, công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước còn nhiều bất cập. Sau khi được bàn giao, các xã đều lập tổ quản lý nhưng phần lớn đều hoạt động lỏng lẻo, không xây dựng được quy chế hoạt động cụ thể, không phát huy hết tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Thêm vào đó, ý thức một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc sử dụng, bảo vệ nguồn nước dẫn tới tình trạng “đầu thừa đuôi thiếu”. Do đó, sau một thời gian hoạt động, nhiều công trình đã nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Trước thực trạng trên, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Hữu Lũng cần quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ. Trước hết cần kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng các công trình. Đối với các công trình không thể sử dụng được cần đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm. Với những công trình xuống cấp, huyện cần cân đối ngân sách hoặc huy động các nguồn lực xã hội hoá để duy tu, sửa chữa, phát huy hiệu quả công trình. Đồng thời, quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong khai thác, sử dụng các công trình công cộng.

Cùng với đó, có thể học hỏi, áp dụng những cách làm hay của một số đơn vị trên địa bàn tỉnh như mô hình thu phí sử dụng nước với giá từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/m3 tại xã Bằng Mạc (Chi Lăng) và xã Hồng Phong (Bình Gia); các tổ quản lý công trình nước sinh hoạt cấp thôn tại các xã: Châu Sơn, Bắc Lãng (huyện Đình Lập) xây dựng quy chế hoạt động, yêu cầu các hộ dân phải nghiêm túc chấp hành… Đây là những công trình đã có tuổi thọ từ 10 đến 15 năm sau khi đi vào sử dụng và hiện vẫn đang vận hành tốt.

PHƯƠNG VY/baolangson

http://baolangson.vn/kinh-te/320221-huu-lung-kho-khan-trong-quan-ly-cac-cong-trinh-cap-nuoc-nong-thon.html

  • Từ khóa