Nhân tố tích cực trong chương trình OCOP

Thứ 5, 29.10.2020 | 14:48:44
560 lượt xem

Sau hơn 2 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn tỉnh đã có 23 sản phẩm OCOP. Trong đó, mỗi cơ sở kinh doanh, hộ sản xuất cá thể là một nhân tố tích cực trong thực hiện chương trình này.


Chăm sóc hồng không hạt bảo lâm VietGAP tại thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc.

Là một trong những hộ điển hình của Hội trồng hồng không hạt Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), hộ ông Hoàng Trọng Dũng (thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát) đã phát triển mô hình hồng VietGAP với gần 300 cây đã cho thu hoạch. Thông qua các chương trình tập huấn của huyện và tỉnh, ông Dũng đã hiểu được các lợi ích chương trình OCOP đem lại. Ông Dũng cho biết: Tôi đang tích cực hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, mẫu mã, bao bì sản phẩm theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Mùa hồng năm nay, chúng tôi đã đầu tư vốn, đặt hàng 2 loại thùng (3 kg và 5 kg) để đóng sản phẩm. Đồng thời, có các thông tin về sản phẩm được in trên bao bì. Ngoài ra, tôi cùng các thành viên thường chia sẻ, hướng dẫn bà con về cách trồng và chăm sóc để có chất lượng sản phẩm tốt nhất. Hiện tại, tôi và các thành viên đang khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí để đăng ký tham gia đánh giá, với mục tiêu đưa sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2021.

Còn tại cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh (thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập), sản phẩm bún ngô đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019 đã được nhiều người biết đến. Cơ sở trên đã và đang bao tiêu sản phẩm cho hầu hết các hộ trồng ngô tại xã Đình Lập, 3 xã lân cận và 1 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi ngày, cơ sở thu mua khoảng 2,5 đến 3 tấn ngô, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 1 đến 1,5 tấn bún ngô. Từ việc đứng ra bao tiêu, cơ sở trên đã có ảnh hưởng tích cực tới quy trình sản xuất của nhiều bà con tại địa phương. Bà Bế Thị Lan Anh, chủ cơ sở cho biết: Chất lượng nguyên liệu tốt là yếu tố quan trọng để tạo thành sản phẩm tốt. Là đơn vị bao tiêu, tôi có những yêu cầu nhất định với bà con. Đó là cần đảm bảo quy trình trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản ngô. Trước khi mua, chúng tôi thường sử dụng máy đo độ ẩm và một số phương pháp để kiểm tra chất lượng của hạt ngô. Vì vậy, từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch ngày càng được bà con chú trọng hơn.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều cơ sở, hộ kinh doanh đã và đang hưởng ứng tích cực chương trình OCOP của tỉnh. Hiện nay, trong số 23 sản phẩm OCOP của tỉnh, có 6 sản phẩm do các cơ sở, hộ kinh doanh đứng ra đăng ký, các sản phẩm này đều đạt từ 3,  4 sao theo đánh giá. Ngoài ra, trong năm 2020, toàn tỉnh có 27 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Qua trao đổi, nhiều cơ sở, hộ kinh doanh đều cho rằng, trở thành sản phẩm OCOP giúp cho sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến, có nhiều cơ hội tiêu thụ trên thị trường hơn.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian qua, các cơ sở, hộ kinh doanh đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, đạo tạo, tập huấn về chương trình OCOP do cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức. Cùng với đó, nhiều đơn vị đã chủ động đề xuất trong công tác hỗ trợ sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ. Đồng thời tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như: hội chợ; tuần lễ nông sản; hội thảo… ở trong và ngoài tỉnh nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình với thị trường trong và ngoài tỉnh. Một tín hiệu đáng mừng là các cơ sở kinh doanh, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP và đăng ký OCOP ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc đánh giá “sao OCOP” là một tiêu chí để khẳng định chất lượng của sản phẩm. Vì thế, thời gian qua, các cơ sở, hộ kinh doanh có sản phẩm OCOP không ngừng đổi mới công nghệ, tư duy sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Đáp lại sự tích cực hưởng ứng chương trình OCOP của các cơ sở kinh doanh và hộ sản xuất, từ năm 2019 đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 24 hội nghị (cấp tỉnh, huyện) và phát 500 bộ tài liệu cho 500 đại biểu tham dự. Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức 2 đoàn tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng chương trình OCOP tại các tỉnh: Bắc Kạn, Hà Giang và Quảng Ninh…

Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường  tuyên truyền chương trình OCOP. Cùng đó là triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chương trình OCOP cho các đối tượng như doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh. Qua đó, giúp các đơn vị trên có thể phát huy vai trò hơn nữa trong quá trình thực hiện chương trình OCOP.


GIA KHÁNH/baolangson.vn

http://baolangson.vn/kinh-te/320700-nhan-to-tich-cuc-trong-chuong-trinh-ocop.html

  • Từ khóa