Những năm qua, bám sát điều kiện thực tiễn và nhu cầu của hội viên, hội cựu chiến binh (CCB) các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quản lý hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Từ đó, kịp thời hỗ trợ vốn giúp hội viên đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội CCB huyện Đình Lập là một trong những đơn vị phối hợp hiệu quả với NHCSXH huyện quản lý vốn vay ủy thác. Hội đang quản lý 20 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với dư nợ trên 37 tỷ đồng, gần 700 hộ vay. Ông Hoàng Minh Thu, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Để quản lý tốt nguồn vốn, hội thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. Theo đó, hội phối hợp với NHCSXH huyện sáp nhập các tổ có số lượng tổ viên ít, củng cố các tổ hoạt động yếu, kém, thay thế các tổ trưởng thiếu tinh thần trách nhiệm. Nhờ đó, nguồn vốn được đưa kịp thời đến đối tượng thụ hưởng thông qua các tổ TK&VV. Từ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hiện hội không có nợ quá hạn, xâm tiêu.
Hội Cựu chiến binh huyện Đình Lập tham quan mô hình trồng măng tây của hội viên
Không chỉ Hội CCB huyện Đình Lập, thời gian qua, các cấp hội CCB toàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ vốn vay thông qua kênh hội CCB trên địa bàn tỉnh đạt trên 504,8 tỷ đồng, có 365 tổ TK&VV với trên 11.300 lượt hộ vay.
Để đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, phổ biến về các chương trình tín dụng chính sách; quy định của ngân hàng về cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đến hội viên; các nội dung thỏa thuận theo văn bản liên tịch giữa NHCSXH và Hội CCB tỉnh.
Theo đó, công tác kiểm tra, giám sát, đào tạo, tập huấn được quan tâm, chú trọng. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, hội CCB các cấp đã kiểm tra được 472 tổ TK&VV; gần 2.000 lượt hộ vay; tổ chức 22 lớp tập huấn nâng cao kiến thức vay vốn làm kinh tế cho 740 người là cán bộ hội và tổ trưởng tổ TK&VV; phối hợp tổ chức được 33 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.155 người. Qua đó, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiêu biểu như mô hình trồng rừng và chăn nuôi của gia đình CCB Nguyễn Văn Cường, thôn Còn Áng, xã Đình Lập, huyện Đình Lập. Ông Cường cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Năm 2016, được Hội CCB xã tuyên truyền, tôi đã vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng và chăm sóc rừng thông kết hợp với chăn nuôi. Nhờ đầu tư hiệu quả, gia đình tôi đã thoát nghèo và trả hết nợ ngân hàng, thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/năm. Năm 2019, tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng để trồng thêm 10 ha thông, keo”.
Hội viên Cựu chiến binh xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình phát triển mô hình trồng lan từ vốn vay ưu đãi
Ông Trần Văn Vẩn, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Để đồng vốn chính sách phát huy hiệu quả thì ngoài sự mạnh dạn đầu tư của mỗi hội viên, các cấp hội CCB đã phát huy tốt vai trò định hướng, xây dựng những mô hình hay, phù hợp với từng địa bàn để hội viên áp dụng. Hầu hết hội viên được vay vốn đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp như: trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ… Ðến nay, toàn tỉnh chỉ còn 2.907 hộ hội viên nghèo, chiếm 8,5% tổng số hội viên (năm 2018, số hộ hội viên nghèo là 3.713 hộ, chiếm tỷ lệ 10,76%) ; số hộ khá, giàu là 13.861 hộ (chiếm 38,72%), tăng 402 hộ so với năm 2018.
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nên tỷ lệ nợ quá hạn của hội CCB chỉ chiếm 0,05% tổng dư nợ ủy thác (thấp hơn mức cho phép), là tổ chức hội có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất trong 4 tổ chức nhận ủy thác.
Kim Huyên/Baolangson.vn
http://baolangson.vn/kinh-te/324804-hoi-cuu-chien-binh-cac-cap-quan-ly-hieu-qua-von-vay-uy-thac.html