Doanh nghiệp chưa mặn mà với nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận do cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng cấp 2,3 vẫn chưa hoàn thiện.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, tỉnh ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp; đưa thành tựu khoa học- công nghệ mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm… Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận.
Đã có những mô hình sản xuất hiệu quả
Kỹ sư Trần Văn Tùng đang làm việc tại Trang tại Nắng và Gió cho biết, đây là mô hình trang trại tổng hợp theo chuỗi hữu cơ organic gồm trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và tái chế phân vi sinh khép kín từ phế phẩm nông nghiệp. Với diện tích gần 60 ha, trang trại được quy hoạch trồng nhiều loại nông sản đặc thù của tỉnh. Tất cả đều ứng dụng công nghệ cao từ nhà màng, tưới tiết kiệm công nghệ Israel trên cây nho, táo, nha đam. Riêng cây dưa lưới, sau khi sản phẩm được thị trường chấp nhận thì trang trại đang không đủ sản phẩm để cung ứng và phải tính đến chuyện mở rộng diện tích.
Cây dưa lưới của Trang trại Nắng và Gió.
“Với nhà trồng dưa lưới diện tích hiện tại là 300 m2, trang trại chỉ trồng được 900 cây thì thu được từ 750 - 800 trái và năng xuất đạt 1 tấn/ha, giống TL3 của Chánh Phong. Hiện tại đầu ra sản phẩm tương đối ổn định, chủ yếu bán qua kênh thực phẩm sạch. Thị trường bây giờ họ cũng yêu cầu sản phẩm đưa ra là phải sạch, phải đảm bảo an toàn” - kỹ sư Trần Văn Tùng nói.
Ngành nông nghiệp Ninh Thuận cùng các địa phương tổ chức cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ninh Thuận đã xây dựng bản đồ “nông hoá thổ nhưỡng” để có cơ sở khoa học quy hoạch các vùng chuyển đổi cây trồng, vùng sản xuất tập trung hiệu quả. Bước đầu, đã có 1.528 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi từ trồng lúa và các loại cây kém hiệu quả sang một số loại cây đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng như: táo, măng tây...
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, hợp tác xã đã liên kết với các doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ về giống, mở rộng diện tích sản xuất, tìm đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế cho hơn 60 thành viên. Sản phẩm măng tây xanh của hợp tác xã đang được Trang trại Tiên Tiến (Công ty TNHH Nông nghiệp Tiên Tiến), hợp đồng thu mua với giá 50.000 đồng/kg.
“Tuấn Tú là vùng đất cát, nhờ có áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà phát triển. Mô hình măng tây xanh Tuấn Tú là mô hình điểm của tỉnh. Thời gian tới hợp tác xã cũng muốn mổ rộng thêm nhiều thành viên nữa gia nhập vào hợp tác xã để phát triển kinh tế” - ông Hùng Ky nói.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Ninh Thuận hiện có 13 dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động và cho sản phẩm, với diện tích khoảng 300 ha. Đó là các dự án như: Dự án Bí hạt đậu của công ty Segull – ADC tại Phước Dinh, Dự án dưa lê, dưa lưới Trang trại Nắng và Gió tại Mỹ Sơn, Trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp Tân Tiến tại An Hải… Các dự án này đều được đầu tư quy mô, theo quy trình khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ngọc Thịnh thăm mô hình măng tây xanh của Hùng Ky.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, nông nghiệp của Ninh Thuận phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thật sự hiệu quả, bền vững. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao chưa mạnh. Thực tế, tỉnh có nhiều doanh nghiệp lớn có thương hiệu, tiềm lực kinh tế, công nghệ và kinh nghiệm trong nông nghiệp làm động lực phát triển.
Theo ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, có nhiều nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp chưa mặn mà với nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận như: cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng cấp 2,3 vẫn chưa hoàn thiện...
“Trong quá trình thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao thì với đặc thù khí hậu vùng Ninh Thuận là khô hạn cho nên cũng gặp một số khó khăn. Hồ thuỷ lợi cũng được sự quan tâm từ Trung ương hiện cũng đã triển khai như hệ thống đập dâng Tân Mỹ, hồ sông Than nhưng tại một số vùng thì liên thông giữa các hồ chứa vẫn chưa được kết nối hết” - ông Phạm Dũng cho hay.
Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành rà soát các chính sách hiện có, từ đó tham mưu điều chỉnh, bổ sung chính sách về ruộng đất, tín dụng, thu hút và sử dụng nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp... Đồng thời, ngành cũng sẽ tham mưu cho tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch.
Trước mắt, Ninh Thuận kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở một số vùng, một số dự án cụ thể, “Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khu vực rau an toàn An Hải từ 100 ha lên 300 ha cho cây măng tây xanh. Thứ hai nữa sẽ tập trung vào tiểu dự án Thành Sơn – Phước Nhơn có diện tích 1.200 ha và tiểu dự án Nhơn Hải 700 ha. Ở đây kế thừa và phát huy hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ, tiếp tục đầu tư vào kết cấu hạ tầng để phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao này” - ông Đặng Kim Cương nói.
Sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, liên quan đến đời sống của hàng vạn hộ nông dân. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu. Điều này không chỉ có ý nghĩa làm gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững… mà còn là một trong những giải pháp đột phá để thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Đoàn Sĩ/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-ninh-thuan-con-kho-khan-819128.vov