Thông cáo chung của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 nhấn mạnh tầm quan trọng của “một môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và dễ dự đoán”.
Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 tối qua 20/11 đã kết thúc tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo thành viên đã gạt bỏ được những khác biệt về thương mại và lần đầu tiên sau 3 năm thông qua được thông cáo chung kêu gọi thương mại tự do, ổn định và dễ dự đoán để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu trước tác động của đại dịch Covid-19, cũng như cam kết từ bỏ các chính sách thương mại bảo hộ.
Thông cáo chung của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 nhấn mạnh tầm quan trọng của “một môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và dễ dự đoán” nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng.
Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị APEC 27 qua hình thức trực tuyến (Ảnh: Reuters)
Các nước APEC đã không đạt được thỏa thuận vào năm 2018 sau khi các cuộc đàm phán bị phủ bóng bởi những bất đồng về thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc. Hội nghị năm ngoái tại Chile thì bị hủy bỏ do các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố. Hội nghị năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã vượt qua được những khác biệt.
Theo Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, nước chủ nhà APEC 2020, APEC đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch.
“APEC đã cam kết kiềm chế việc sử dụng các biện pháp bảo hộ để giữ cho thị trường mở và tất nhiên là biên giới mở. Điều này bao gồm việc đảm bảo vận chuyển xuyên biên giới thông suốt các mặt hàng thiết yếu bao gồm thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác trong đại dịch để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị cản trở trong khu vực”, Thủ tướng Malaysia nói.
Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều nhà lãnh đạo APEC đã cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều thách thức kinh tế từ Covid-19. Thủ tướng Newzealand Jacinda Ardern, nước chủ nhà APEC 2021, hối thúc các nền kinh tế “không được lặp lại sai lầm của lịch sử” khi theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh khu vực đang đương đầu với thách thức kinh tế lớn nhất thế hệ.
“Chúng tôi đã thảo luận về cuộc khủng hoảng mà toàn thế giới đang phải đối mặt và những thách thức to lớn mà chúng ta phải vượt qua để phục hồi. Hơn lúc nào hết, giờ là lúc các nước thành viên cùng nhau tham gia và hướng tới đạt được một tương lai đổi mới, bền vững và toàn diện. Đây cũng là điều mà chúng tôi cam kết với tư cách nước chủ nhà APEC 2021”, Thủ tướng Newzealand nhấn mạnh.
Phát biểu từ Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng, một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở sẽ là nền tảng cho sự thịnh vượng của khu vực. Ông đồng thời cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hướng đến thành lập Khu vực thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương và mở rộng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Nhật Bản sẽ cùng với APEC hướng tới mục tiêu hiện thực hóa một nền kinh tế và xã hội bền vững, có khả năng chống chọi với mọi loại khủng hoảng, nơi mọi người dân đều phát triển và được hưởng lợi ích từ tăng trưởng kinh tế. Một Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và cởi mở sẽ là nền tảng cho sự thịnh vượng của khu vực và Nhật Bản mong muốn sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong việc biến mục tiêu đó thành hiện thực”, Thủ tướng Suga Yoshihide bày tỏ.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tầm nhìn đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai, trong đó APEC tiếp tục là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực. Với kết quả này, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020.
Là hoạt động quan trọng nhất trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2020, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 đã đi vào lịch sử với việc lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của hầu hết các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Năm APEC 2017 do Việt Nam làm chủ nhà, Tổng thống Mỹ trở lại tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và cũng là lần đầu tiên ông Donald Trump tham dự hội nghị quốc tế từ sau tổng tuyển cử./.
Thu Hoài/VOV.VN