Sự tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và các thỏa thuận hợp tác lao động song phương đã mở rộng cơ hội việc làm cả trong nước và ngoài nước cho người lao động.
Phát biểu tại Hội thảo Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, lĩnh vực lao động và xã hội cũng đã tích cực, chủ động tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế như công ước quốc tế về lao động, việc làm, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, tham gia các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA và tham gia vào các tổ chức đa phương, khu vực như hội đồng quản trị của tổ chức lao động quốc tế ILO, cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN.
Toàn cảnh hội nghị.
“Có thể khẳng định rằng hội nhập quốc tế về lao động và xã hội ngày càng mở rộng về phạm vi, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Từ những hợp tác ban đầu đơn thuần nhằm cứu trợ xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương, đến nay đã chuyển dần từ phương thức viện trợ sang chuyển giao tri thức, xây dựng văn bản pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cùng với cải cách chính sách, vấn đề nghèo đói, an sinh xã hội cũng được cải thiện. Tỷ lệ hội nghèo trên cả nước đã giảm từ 13,7% năm 2008 xuống còn khoảng dưới 4% vào năm 2019.
Về việc làm, sự tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và các thỏa thuận hợp tác lao động song phương đã mở rộng cơ hội việc làm cả trong nước và ngoài nước.
Song, bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, hội nhập và hợp tác quốc tế về lao động xã hội đã, đang và sẽ đứng trước những thách thức, tác động.
Đó là thể chế kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực lao động xã hội nói riêng sau hơn 30 năm đổi mới đã hình thành và không ngừng hoàn thiện, nhưng chưa thực sự thống nhất, đầy đủ và đồng bộ theo yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, hậu quả chiến tranh còn để lại lâu dài và rất nặng nề, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, phần lớn dân cư ở nông thôn đời sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nhiều vùng còn nghèo nàn, lạc hậu và chậm phát triển.
Trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, những lợi thế ban đầu như lực lượng lao động dồi dào với trình độ và giá thành thấp, nguồn tài nguyên phong phú, lợi thế về nguồn vốn vay có thể không còn là động lực tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Xu thế toàn cầu hóa đi liền với quá trình tăng trưởng cao, nhiều vấn đề xã hội đang nảy sinh và có thể cản trở sự phát triển bền vững và bao trùm đã đặt con người vào trung tâm và là mục tiêu của sự phát triển. Trong đó có khoảng cách ngày càng lớn về thu nhập, phúc lợi xã hội và cơ hội phát triển giữa các vùng miền và nhóm xã hội khác nhau, làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội.
Năng lực hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực lao động và xã hội, nhất là năng lực của nguồn nhân lực cho hội nhập cũng như năng lực quản lý nhà nước về hội nhập quốc tế trên lĩnh vực lao động và xã hội còn nhiều bất cập.
Cũng theo đại diện Bộ LĐ-TB-XH, trong 5 năm vừa qua, thế giới đã trải qua nhiều thay đổi to lớn, rõ rệt nhất là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng lao động, việc làm trở thành ưu tiên hàng đầu của các nước, đồng thời cũng tạo ra những công cụ mới giúp con người có nhiều lựa chọn trong phương thức giao tiếp, việc làm, kể cả trong công tác đối ngoại.
Bên cạnh đó, xu hướng già hóa vẫn tiếp tục diễn ra 1 cách tự nhiên, đòi hỏi những thay đổi về chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội. Gần đây nhất, trực tiếp là đại dịch Covid-19 đã làm cho thế giới phải nhìn nhận lại cách tiếp cận trong giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là an sinh xã hội và hòa nhập cho các nhóm yếu thế, thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về mọi mặt giữa các nước để ứng phó với đại dịch.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hà cũng nhìn nhận dịch Covid-19 như một cơ hội để thử nghiệm hiệu quả các ứng dụng công nghệ, từ đó có thể đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hợp tác và đối ngoại.
Trước những thách thức trong bối cảnh này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các đơn vị trực thuộc ngành từ địa phương đến trung ương cần đánh giá nghiêm túc những kết quả đạt được cũng như những tồn tại để thực hiện hiệu quả hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế, hội nhập trong thời gian tới./.
Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/hop-tac-quoc-te-mo-ra-nhieu-co-hoi-viec-lam-cho-lao-dong-viet-nam-819680.vov