Việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế sẽ giúp kiểm soát dòng tiền từ nước ngoài, tạo sự công bằng giữa kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống, tránh thất thu thuế.
Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lí thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lí thuế theo qui định của pháp luật về thuế.
Đảm bảo sự bình đẳng giữa các hình thức kinh doanh
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, quy định ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế là hoàn toàn phù hợp để đảm bảo sự bình đẳng giữa kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống. Hiện những người kinh doanh truyền thống phải thuê cửa hàng, trụ sở, phải kê khai, nộp thuế đầy đủ, trong khi đó, kinh doanh thương mại điện tử hiện đại hơn, chi phí thấp, lợi nhuận cao hơn thì lại không phải nộp thuế.
Từ 5/12, ngân hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. (Ảnh minh họa: KT)
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, vấn đề quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, có rất nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng trên mạng xã hội có thể thu tiền về tài khoản, hoặc qua người giao hàng (qua shipper), nhận tiền mặt... Thậm chí, còn có các đối tượng cung cấp dịch vụ, cung cấp nội dung cho các nền tảng nước ngoài như YouTube, Facebook và nhận tiền về mình.
“Trên YouTube, lượng xem càng cao thì người sản xuất nội dung càng nhận được nhiều tiền. Số tiền đó được chuyển từ nước ngoài vào tài khoản cá nhân, cơ quan thuế sẽ không kiểm soát được nếu không có sự phối kết hợp với ngân hàng”, bà Cúc cho hay.
Tuy nhiên, bà Cúc cũng cho rằng, trách nhiệm là cung cấp thông tin nhưng ngân hàng, cơ quan thuế phải đảm bảo bí mật thông tin người nộp thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
“Cơ quan thuế chỉ được phép cung cấp thông tin về thu nhập của người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế vi phạm pháp luật, đã yêu cầu nộp thuế, cưỡng chế thuế nhưng không nộp”, bà Cúc nêu ý kiến.
Sẽ sớm có Thông tư hướng dẫn Nghị định 126
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện ngành thuế đã trao đổi với các ngân hàng thương mại về trường hợp cá nhân nhận được tiền từ Facebook, Google, Youtube thông qua hoạt động dịch vụ, quảng cáo. Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ liệt kê danh sách và cơ quan thuế sẽ mời những cá nhân này lên làm việc, tuyên truyền để tự giác kê khai nộp thuế.
“Đối với cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào danh sách các ngân hàng cung cấp về các khoản tiền nhận được từ nước ngoài để mời lên làm việc và cam kết thực hiện các nghĩa vụ”, ông Đặng Ngọc Minh cho hay.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, các vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã được phân ra các hình thức khác nhau.
Đối với các cá nhân thực hiện sản xuất, mua bán thương mại trong nước thì sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế giống như các hộ kinh doanh. Điều này đã có những hướng dẫn cụ thể. Cơ quan Thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền cho những người kinh doanh thương mại điện tử trong nước thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ngoài ra, với các hoạt động dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đã có những cơ sở pháp luật để thu. Tuy nhiên, những trường hợp liên quan đến nghĩa vụ kinh doanh với các hoạt động không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì vẫn cần có những quy định cụ thể hơn tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều Luật Quản lý thuế.
“Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 126, trong đó, có nội dung liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Chúng tôi sẽ mời các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của nước ngoài vào làm việc với cơ quan Thuế Việt Nam cũng như các bên tư vấn để hướng dẫn các quy định mới về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ của mình”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện quản lý thuế với các hoạt động giao dịch thương mại xuyên biên giới rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Cụ thể, cần phải có sự hợp tác thông tin giữa ngành Thuế với ngành Ngân hàng cũng như ngành Viễn thông và ngành Vận tải để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp.
“Trong đó, sự hợp tác quan trọng nhất phải kể đến phía các ngân hàng, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới với cơ quan Thuế. Thực tế thời gian vừa qua, chúng tôi đã phối hợp rất tốt với các ngân hàng thương mại cũng như Trung tâm giám sát các giao dịch bất thường của Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, đã nắm được rất nhiều thông tin giao dịch và thông qua đó đã tăng cường thực hiện thu cho ngân sách nhà nước”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết thêm./.
Cẩm Tú/VOV.VN